Quê tôi giờ đã “lên phố, lên phường”, cuộc sống người dân nhiều thay đổi nhưng phong tục ăn Tết ngày xưa vẫn còn hiện hữu, nhất là sau ngày 23 tháng Chạp cúng đưa ông Công - ông Táo về trời, mọi nhà ai cũng chộn rộn tất bật chuẩn bị để đón một cái Tết đúng nghĩa.
Những ngày cuối năm cũ dần trôi theo thời gian để nhường lại ngày đầu năm mới đang “thập thò” trước cửa đã làm không khí quê tôi những ngày cận Tết thêm rộn ràng vui vẻ, nhất là các bà mẹ loay hoay hong phơi đu đủ để làm dưa món, tranh thủ ngâm gạo để mai đi xay đem đến lò tráng bánh... Tôi nghe không những thím bốn kế bên nhà hay bác năm, cô tám... đều nói “Kệ. Tranh thủ làm dưa món cho sắp nhỏ ở Sài Gòn dìa (về) nó ăn. Tráng vài trăm bánh tráng để sau Tết nó dô (vô) lại có ăn, dù sao bánh tráng ở mình ngon hơn bánh mua quày (ngoài) chợ”.
Những ngày cận Tết, chợ xổm quê tôi cũng nhộn nhịp hơn so với ngày bình thường. Cũng hơn mười sạp hàng đó thôi nhưng hàng hóa phục vụ cho ngày Tết được bày bán nhiều hơn. Càng đến ngày cuối Chạp, chợ tụ họp càng sớm hơn và rộn ràng tiếng nói cười, lời mời mua sắm của chị Hai Xăng sạp hàng khô, thím tám bán bún, mợ sáu Vũ bán chuối và bông vạn thọ, chị bảy Niềm bán năm ba cặp vịt cỏ…
Và càng rộn ràng hơn với những lời hỏi thăm nhau ân tình của những người ở đầu thôn với người cuối xóm “Tết này vợ chồng thằng Đạt có về không?”, “Chuẩn bị Tết sao rồi?”, “Sắm Tết xong hết chưa?”… Có một điều hay là trong cuộc sống thường ngày đôi khi người này có bất hòa với người kia nhưng ngày cận Tết, gặp nhau ở chợ hầu như ai nấy đều tươi roi rói, xởi lởi từ ánh mắt, nụ cười đến những câu chào hỏi và mời nhau Tết đến nhà chơi...
Người dân quê tôi hầu như nhà nào cũng có một hai thùng hoa mai rừng và trước sân một hai cây mai tứ quý. Đầu tháng Chạp, mọi người đã lặt lá mai. Nhưng quê tôi vẫn còn giữ nếp lặt lá mai vần công với nhau. Ngày tập trung lặt lá mai cũng vui lắm, sáng chủ nhà pha cà phê, nước trà nóng mời các chú, các anh tập trung uống và râm ran bàn mỗi một chủ đề: Tết. Chiều lặt lá mai xong cũng ngồi lại “đưa cay” chút đỉnh. Cái chính là cùng thưởng thức rượu Tết của chủ nhà ngâm mấy tháng nay.
Cúng tất niên, cúng dẫy mả (cúng lạp) cũng là một hoạt động làm tăng thêm phần rộn ràng ngày cận Tết ở quê tôi. Bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp, mọi gia đình lo cho ngày này nhưng cũng có nhà chờ con đi làm ăn hay học tập ở Sài Gòn, Vũng Tàu... mãi chiều 30 Tết mới cúng. Nghĩ cũng lạ, nhà nhà đều cúng rồi mời nhau chung vui, có người phải “chạy sô” ăn tất niên. Cũng đúng thôi, ngày tất niên cùng đến chia vui với nhau để tình làng nghĩa xóm, tình anh em gia đình thêm gắn bó nhau hơn. Hồi nội tôi còn sống, ông hay nói: “Ngày tất niên, anh em và bà con chòm xóm đến với nhau là thể hiện sự hòa thuận, đoàn kết - Chứ ba bữa rày ăn uống bao nhiêu...”.
Riêng tôi và cũng như mọi người cũng đều cảm nhận: Mỗi năm, những ngày giáp Tết là những ngày vui nhất.
HOÀNG HÀ THẾ