Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Chính vì vậy, trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi (NCT), công tác xã hội (CTXH) được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, đóng vai trò cầu nối chủ chốt, là phương tiện hiệu quả trong thực thi các chính sách xã hội, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.
CTXH với NCT còn khó khăn
Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, tính đến hết năm 2017, cả nước có trên 11 triệu NCT (chiếm gần 12% dân số). Trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số NCT). Tuổi thọ bình quân là 73,2 tuổi (năm 2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (năm 2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050.
Tại Phú Yên, hiện toàn tỉnh có hơn 90.000 NCT và xu hướng già hóa đang tăng nhanh. Mặc dù tuổi thọ bình quân nâng lên 70 tuổi nhưng chất lượng cuộc sống còn nhiều hạn chế, đa số NCT đều mang nhiều bệnh như đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ, tai biến, loãng xương, huyết áp cao… gây khó khăn vận động, tinh thần mệt mỏi. Bên cạnh đó, số cụ neo đơn, không nơi nương tựa còn rất nhiều, vì thế rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng với những hành động thiết thực để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Qua thống kê hàng năm, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 30.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó hầu hết là người già, nghèo, sức khỏe yếu, sống cô đơn, không nơi nương tựa. Tuy nhiên, hoạt động CTXH đối với NCT hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, Nhà nước và các hội, đoàn thể đã giúp NCT nâng cấp nhà tạm; tổ chức mừng thọ, chúc thọ vào dịp đầu xuân, Ngày Quốc tế NCT; xây dựng CLB Liên thế hệ tự giúp nhau; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; CLB nghệ thuật, thơ ca, thể dục, dưỡng sinh; tham quan… Tuy nhiên, những hoạt động trên mới đáp ứng một phần nhu cầu của NCT.
Ông Nguyễn Chín, 87 tuổi, ở phường 9 (TP Tuy Hòa), nói: “Tôi tuổi cao, sức yếu, lại neo đơn, phải sống với đứa cháu. Mấy năm gần đây, Nhà nước hỗ trợ mỗi tháng 270.000 đồng dành cho NCT 80 trở lên và các nhà hảo tâm cũng chia sẻ nên cuộc sống tạm ổn. Lâu lâu, phường có tổ chức văn nghệ, tôi cũng đi xem nên tinh thần khá thoải mái”.
Trưởng Ban Đại diện Hội NCT huyện Phú Hòa Phạm Ngọc Ánh cho biết: Phần lớn các chính sách đối với NCT hiện mới chỉ chú trọng tính trợ cấp, cứu trợ; các hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho NCT còn mang tính phong trào. Đa số vẫn còn coi CTXH với NCT là sự trợ giúp của cá nhân, cộng đồng mang tính chất từ thiện, phong trào.
Nâng cao vai trò CTXH
Theo dự báo, dân số Việt Nam sẽ chỉ mất không tới 20 năm để chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già”, một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới. Thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo hạ tầng và an sinh xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng, trong khi nhiều người còn đang sống ở mức nghèo, cận nghèo.
Theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thách thức của việc già hóa dân số một phần là do hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT; NCT vẫn phải làm việc, mà sức khỏe thì giảm sút. NCT là nhóm đối tượng dễ tổn thương và cần được chăm sóc một cách toàn diện.
Đặc biệt, Chi cục DS-KHHGĐ nhiều năm liền phối hợp với Ban Đại diện Hội NCT tỉnh thông qua mô hình Tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng, tổ chức truyền thông, tư vấn và nhiều hoạt động thiết thực nhằm cung cấp kiến thức và mang niềm vui cải thiện cuộc sống tinh thần cho các cụ, bên cạnh đó phát huy vai trò NCT trong công tác DS-KHHGĐ.
Ông Võ Văn Binh cho biết thêm, hiện nay việc hoàn thiện hệ thống chính sách trợ cấp xã hội và dịch vụ CTXH trong chăm sóc NCT là rất cần thiết nhằm đảm bảo an sinh và nâng cao chất lượng sống cho NCT, trong đó việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CTXH đối với NCT để ứng phó với quá trình già hóa dân số là điều cấp bách và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
“Để công tác truyền thông về vấn đề già hóa dân số đạt hiệu quả và thúc đẩy ngành CTXH phát triển, báo chí cần truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho NCT; đẩy mạnh tuyên truyền nghề CTXH đối với NCT”, ông Binh nói.
Ngành LĐ-TB-XH đang tiếp tục triển khai đề án Nghề CTXH. Trong đó chú trọng vấn đề đưa các nhân viên CTXH địa phương đến gia đình NCT để trực tiếp thực hiện các dịch vụ như xác định vấn đề, giúp xây dựng kế hoạch, thiết lập mối quan hệ giữa những NCT và các thành viên gia đình, giúp họ gắn bó và tự giác tham gia các sinh hoạt cộng đồng.
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng tăng cường phối hợp các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tổ chức nhiều hoạt động dành cho NCT, đặc biệt ưu tiên cho các đối tượng nghèo, có hoàn cảnh neo đơn, vùng sâu vùng xa, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chăm sóc sức khỏe NCT và góp phần nâng cao chất lượng dân số địa phương.
HOÀNG LÊ