Người mắc bệnh tâm thần có nhiều khả năng phục hồi để tái hòa nhập cộng đồng nếu được chăm sóc và điều trị tốt. Tuy nhiên hiện nay, công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần ở tỉnh còn nhiều hạn chế. Do đó, ngoài sự chung tay của xã hội, rất cần chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm đặc biệt trong việc chỉ đạo và thực hiện, để công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần được thực hiện ngày một tốt hơn.
Mới đây, đoàn công tác của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cùng đoàn công tác của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã có buổi thăm và làm việc với Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên về công tác chăm sóc sức khỏe người tâm thần. Qua buổi làm việc, đoàn đã ghi nhận những kiến nghị của lãnh đạo trung tâm cũng như Sở LĐ-TB-XH Phú Yên về những khó khăn, vướng mắc khi chăm sóc các đối tượng tâm thần.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: Cùng với công tác tiếp nhận, tổ chức nuôi dưỡng, điều dưỡng luân phiên hàng năm từ 700-1.000 người có công theo quy định, hiện trung tâm đang nuôi dưỡng thường xuyên 68 đối tượng, trong đó có tới 41 người khuyết tật, tâm thần đặc biệt nặng không tự phục vụ được, 12 trẻ mồ côi, tàn tật hầu hết đều bị bệnh bẩm sinh như thiểu năng, bị đao, bại não.
Ngoài ra, trung tâm cũng đang tiếp nhận chăm sóc 8 đối tượng tự nguyện. Trước thực tế Phú Yên vẫn chưa có cơ sở chăm sóc chuyên biệt cho đối tượng tâm thần, tỉnh tạm thời tiếp nhận đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm. Vấn đề này gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của trung tâm, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là các đối tượng người có công.
Mặc dù được sự quan tâm, đầu tư của các cấp nhưng hạ tầng cơ sở trung tâm về cơ bản chỉ đáp ứng nhu cầu chủ yếu của đối tượng chính sách, người có công; không phù hợp để chăm sóc, điều trị người khuyết tật, người tâm thần. Hơn nữa, thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Y tế giai đoạn 2018-2021, Phú Yên chỉ mới phân công bác sĩ phối hợp khám bệnh cho người có công trong các đợt điều dưỡng luân phiên; hỗ trợ khám, điều trị bệnh cho người tâm thần, khám sức khỏe định kỳ cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm.
Đến thời điểm này, trung tâm vẫn chưa có bác sĩ phục vụ tại chỗ, không có cán bộ công tác xã hội hỗ trợ trị liệu tâm lý... Do đặc thù công việc của đơn vị, nên ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ chính sách, người già neo đơn, trẻ em thì với những bệnh nhân nặng không có khả năng tự chăm sóc, cán bộ trung tâm phải hỗ trợ từ việc ăn ở đến tắm giặt, vệ sinh cá nhân, quản lý bệnh nhân.
Theo bà Nga, để giải quyết những khó khăn về quản lý người tâm thần, năm 2018, UBND tỉnh đã trình và được Bộ LĐ-TB-XH hỗ trợ 10 tỉ đồng để mở rộng, nâng cấp Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội, hình thành phân khu nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần với quy mô từ 80-100 đối tượng. Phân khu chăm sóc nuôi dưỡng người tâm thần sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2019, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, chăm sóc và điều trị phục hồi chức năng cho người tâm thần trên địa bàn tỉnh.
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho rằng, một trong những vướng mắc kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH tháo gỡ là về chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh. Theo Nghị định 26/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định các chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập, mức phụ cấp 70% được áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, người khuyết tật đặc biệt nặng, song hiện tại chỉ có 7/34 cán bộ viên chức thuộc trung tâm được hưởng mức phụ cấp này.
Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội đề nghị Sở LĐ-TB-XH phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ Phú Yên giải quyết dứt điểm chế độ phụ cấp cho cán bộ, người lao động theo đúng tinh thần Nghị định 26 để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ và người lao động. “Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về trợ giúp, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần cần được tập trung. Trước mắt, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng phân khu nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần, nhằm đảm bảo các đối tượng này được chăm sóc tốt”, ông Đức nói.
Công tác chăm sóc người bệnh tâm thần đang ngày càng trở thành thách thức lớn, là gánh nặng đối với gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Hiện nay, người bệnh tâm thần vẫn phải chịu sự phân biệt, đối xử trong đời sống và điều trị. Sau khi điều trị ở các cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân được trở về với gia đình. Sự nỗ lực của người thân và cộng đồng sẽ giúp họ hòa nhập tốt hơn với xã hội.
Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội |
TRẦN HUYỀN - HOÀNG LÊ