Thứ Bảy, 11/01/2025 11:55 SA
Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Thứ Tư, 19/12/2018 13:00 CH

Bác sĩ khám sàng lọc trẻ bị khuyết tật tứ chi - Ảnh: KIM CHI

Mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng hàng năm Phú Yên vẫn lồng ghép công tác người khuyết tật (NKT) nói riêng và chương trình an sinh xã hội nói chung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó giúp NKT có cơ hội hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động ở địa phương.

 

Đẩy mạnh công tác truyền thông

 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các ban ngành trên địa bàn đã tích cực phối hợp cùng các tổ chức, hội đoàn thể căn cứ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NKT; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xã hội trợ giúp NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội, hòa nhập cộng đồng; tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật; triển khai chính sách ưu tiên theo pháp luật quy định đối với NKT trong y tế, giáo dục, học nghề, việc làm, các lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, từng bước giúp NKT có điều kiện ổn định cuộc sống, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.

 

Hiện toàn tỉnh có các tổ chức trợ giúp NKT như: Hội Cứu trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Phú Yên, Hội Người mù tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Với chức năng và phạm vi hoạt động được pháp luật cho phép, các hội này đã tuyên truyền vận động, huy động nguồn lực tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp NKT như: trợ giúp đời sống, khám chữa bệnh, xây dựng nhà ở, tặng xe đạp, xe lăn, xe lắc và các hoạt động trợ giúp phục hồi chức năng, châm cứu… Qua đó giúp hàng trăm NKT có điều kiện cải thiện đời sống, sinh hoạt và hòa nhập cộng đồng.

 

Bên cạnh đó, những năm qua, Sở LĐ-TB-XH cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung của Luật NKT, những chủ trương chính sách trợ giúp đối với NKT nhằm nâng cao trách nhiệm các cấp, ngành, tổ chức hội đoàn thể, cộng đồng dân cư và gia đình đối với NKT. Đồng thời khuyến khích, động viên các tổ chức cá nhân thực hiện các hoạt động chăm sóc giúp đỡ, cưu mang đối với NKT.

 

Nhân Ngày bảo vệ chăm sóc người tàn tật Việt Nam 18/4 hàng năm, Ngày vì NKT thế giới, các cơ quan thông tin đại chúng đã mở các đợt truyền thông chuyên đề về NKT, phổ biến những chủ trương chính sách trợ giúp, nêu gương người tốt việc tốt. Qua đó nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và cộng đồng về trách nhiệm đối với NKT.

 

Đặc biệt phát triển chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ), đến nay, tỉnh đã có mạng lưới PHCNDVCĐ tại các địa phương. Qua đó tổ chức tuyên truyền trên đài phát thanh xã, đài truyền hình và vận dụng đội ngũ cộng tác viên PHCNDVCĐ tuyên truyền trực tiếp để điều tra, sàng lọc và lập hồ sơ quản lý NKT, theo dõi, luyện tập tại nhà.

 

Đây là mô hình rất có hiệu quả và thiết thực, giúp các đối tượng không phải đến trung tâm chữa bệnh mà có thể tập luyện, chữa bệnh tại nhà dưới sự giúp đỡ của cộng tác viên và người thân. Thường xuyên tổ chức và phát động các phong trào luyện tập thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe cho NKT.

 

Qua thống kê có hơn 500 NKT tham gia các phong trào thể dục thể thao ở địa phương; hội thao cho NKT cơ sở đã thu hút nhiều vận động viên tham gia thi đấu; đồng thời chọn ra những vận động viên xuất sắc thi đấu giải khu vực và toàn quốc.

 

Bổ sung, điều chỉnh những vấn đề bất cập

 

Hiện nay, ngân sách thực hiện đề án Trợ giúp NKT năm 2018 chủ yếu là ngân sách địa phương (không có ngân sách Trung ương), do đó một số chỉ tiêu sẽ khó đạt được đến năm 2020 như: 70.000 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; 60% gia đình có NKT được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho NKT; 50% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống…

 

Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến NKT đang tập trung quá nhiều vào đối tượng cần tác động mà ít quan tâm đến tác động vào các đối tượng liên quan, vào điều kiện sống của xã hội và quy trình, cách thức hỗ trợ. Hoặc có đề cập nhưng việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cào bằng gây lãng phí nguồn tài chính mà không có hiệu quả.

 

Để hoạt động chăm sóc NKT được tốt hơn, thời gian đến, Sở LĐ-TB-XH có những kiến nghị cụ thể đối với cấp trên về cụ thể hóa quyền được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của NKT trong các chương trình, đề án của ngành Văn hóa, đặc biệt đối với NKT ở khu vực nông thôn; ban hành văn bản hướng dẫn miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ cho NKT tại nhà hát, rạp chiếu phim, các cơ sở thể thao; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ trợ giúp NKT.

 

Đối với hệ thống chính sách trợ giúp NKT hiện nay, cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung những vấn đề bất cập qua quá trình thực hiện, ở một số lĩnh vực trợ cấp xã hội; đào tạo nghề đối với NKT với tiêu chí đảm bảo sau khi học nghề, NKT tự hành nghề và có việc làm ổn định.

 

VÕ VĂN BINH

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek