Thứ Hai, 13/01/2025 15:43 CH
Đừng buồn! Hãy hành động thưa Bộ trưởng
Thứ Sáu, 30/11/2018 10:00 SA

Sau hơn một tuần xảy ra vụ học sinh bị xử phạt 231 cái tát, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng khi ông tiếp xúc cử tri tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định sáng 28/11: “Bản thân tôi rất buồn khi trong ngành xảy ra hiện tượng như thế. Quan điểm của bộ là không thể chấp nhận trong đội ngũ những giáo viên này”.

 

Không phải Bộ trưởng buồn, mà học sinh buồn, phụ huynh buồn, những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà đều buồn. Nhưng buồn thì phỏng có ích gì.

 

Về vụ tát tai vừa xảy ra, hậu quả thì rõ rồi, uy tín của ngành Giáo dục xuống thấp hơn đã từng. Hãy tìm ra căn nguyên từ đâu để trị liệu, để không còn xảy ra những cái tát tiếp theo, đó mới là điều cần bàn, cần hành động.

 

Đã nhiều ý kiến cho rằng, căn nguyên là do bệnh thành tích trong giáo dục.

 

Áp lực thi đua khiến cho giáo viên không còn chuyên tâm vào giảng dạy, mà luôn tìm cách đối phó để đạt tiêu chuẩn thi đua. Từ đó sinh ra dối trá, những hoạt động của nhà trường chủ yếu phục vụ cho thành tích hơn là phục vụ cho giáo dục, thầy cô giáo bị thụ động vì chạy theo thành tích, không còn khả năng sáng tạo trong dạy học.

 

Người thầy không còn tinh thần sáng tạo thì học sinh cũng bị thủ tiêu khả năng này. Học sinh học theo cái khuôn đúc của nhà trường, của thầy cô giáo, trở thành học vẹt vì bị áp đặt một chiều.

 

Thầy cô xem học sinh là đối tượng phục vụ thành tích thi đua của mình, nhà trường xem thầy cô là đối tượng phục vụ thành tích của nhà trường, từ đó sinh ra những cách giáo dục phi giáo dục, phản giáo dục.

Cụ thể như vụ 231 cái tát xảy ra ở Quảng Bình, nhà trường trừ điểm thi đua nếu học sinh nói tục, cho nên cô giáo mới đưa ra biện pháp sai lầm này để ngăn chặn. Không thể không trách cô giáo, nhưng rõ ràng, trong đó có áp lực của thi đua.

 

Rõ ràng, nếu như không có quy định trừ điểm thi đua, thì sẽ không có vụ tát tai động trời này.

 

Vụ tát tai chỉ là cá biệt, nhưng vì thành tích mà giáo viên phải chịu đựng nhiều áp lực ngoài chuyên môn là phổ biến. Chứng nghiện thành tích tồn tại như một loại bệnh tật hiện nay trong ngành Giáo dục, từ từng lớp, từng trường, từng địa phương cho đến Bộ GD-ĐT.

 

Nhưng, những thành tích ảo, những hư danh không thể thay thế hay che lấp những khuyết tật.

 

Đặt thành tích thi đua là mục tiêu của giáo dục là sai lầm căn bản. Mục tiêu của giáo dục là con người, là học sinh, nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Những công dân có tri thức và nhân cách và phẩm giá cao, không phải là những người chỉ biết cúi đầu tuân lệnh.

 

Để có thế hệ công dân đẳng cấp như vậy, phải có một nền giáo dục khai phóng, một nền giáo dục không bị gò bó trong một cái khuôn thành tích giả dối để đào tạo ra những công dân không lấy sự trung thực và công chính làm giá trị.

 

Do vậy, sau khi buồn, hãy bắt tay hành động, dẹp hết các loại thi đua thành tích trong ngành Giáo dục ngay thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

 

LÊ CHÂN NHÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek