Theo phóng viên TTXVN tại Lào, tính tới trưa ngày 25/7, các cơ quan chức năng của Lào vẫn chưa công bố chính thức thông tin thiệt hại về người và của do sự cố vỡ đập thủy điện tại Sepien Senamnoi vào tối 23/7 gây ra.
Cảnh ngập lụt sau khi đập thủy điện ở tỉnh Attapeu, Lào bị vỡ ngày 24/7 - Nguồn: THX/TTXVN |
Cuộc họp báo dự kiến tổ chức tại trụ sở Bộ Lao động Phúc lợi xã hội của Lào vào 10 giờ 30 đã bị hủy vào phút chót.
Liên quan tới khả năng người Việt bị ảnh hưởng bởi sự cố, sáng 25/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết theo thông báo của các đơn vị chức năng của Lào, có 15 hộ gia đình người Việt nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện nói trên, tuy nhiên, chưa có bất cứ thông tin thiệt hại về người và tài sản liên quan đến 15 hộ gia đình này. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào vẫn tiếp tục liên lạc với các đơn vị chức năng của Lào để nắm bắt thông tin và tiến hành công tác bảo hộ công dân nếu có công dân Việt bị ảnh hưởng trong sự cố này.
Trong sáng 25/7, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse đã đến tỉnh Attapeu để tìm hiểu về thông tin thiệt hại của sự cố vỡ đập đối với cộng đồng người Việt. Nhân dịp này, đại sứ quán cũng đã phát động cán bộ nhân viên sứ quán, các cơ quan bên cạnh đại sứ quán mỗi người tối thiểu 1 ngày lương để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố khắc phục hậu quả.
Sáng 25/7, nhóm phóng viên TTXVN đã tiếp cận được khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi. Ông Võ Văn Mừng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Attapeu, cho biết theo báo cáo từ Sở Ngoại vụ tỉnh Attapeu, số người Việt Nam sinh sống tại khu vực bị ảnh hưởng của vụ vỡ đập thủy điện Xepien Senamnoi đều an toàn. Hiện người dân khu vực bị ảnh hưởng đã được hỗ trợ lương thực gồm gạo, mì tôm, cá khô... Hội cũng đang tích cực vận động cộng đồng người Việt Nam sống tại tỉnh Attapeu huy động các nguồn lực để cứu trợ cho người dân tại 6 bản, làng bị ngập lụt. Tuy nhiên, con đường dân sinh vào khu vực bị ảnh hưởng đang bị chia cắt, chỉ có trực thăng mới đưa hàng vào được cho người dân. Đến thời điểm này, Hội Người Việt Nam tại tỉnh Attapeu đã hỗ trợ được gần 50 triệu đồng cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
Khó khăn nhất đối với công tác cứu trợ người dân bị ảnh hưởng chính là con đường độc đạo dẫn vào khu vực này hiện đang bị chia cắt nặng nề. Theo người dân địa phương tại đây, trên con đường này có tới 46 con suối lớn nhỏ chảy cắt ngang. Mực nước tại các con suối này đang ở mức cao khiến con đường tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men đang bị ách tắc hoàn toàn. Tại khu vực cầu bản Hôm, cây cầu gỗ tạm cho người dân qua lại bị nước lũ cuốn trôi khiến mọi phương tiện di chuyển bằng đường bộ đều bị tê liệt. Người dân muốn qua lại phải sử dụng thuyền nhỏ ghép lại để vận chuyển người và phương tiện. Những phương tiện lớn không thể di chuyển qua.
Cũng trong sáng 25/7, chính quyền tỉnh Attapeu đã huy động phương tiện vận chuyển xà lan vào tiến hành làm cầu tạm nhằm thông tuyến, tạo điều kiện cho hàng hóa vào cứu trợ người dân tại 6 bản, làng của huyện Xanamxay. Phóng viên TTXVN có mặt tại Attapeu dẫn thông báo từ Ủy hội Sông Mekong ngày 25/7 cho biết sau khi phân tích dữ liệu các trạm quan trắc của ủy hội trên sông Mekong, sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi không gây ảnh hưởng tới Việt Nam.
Trong khi đó tại hiện trường, các lực lượng chức năng của Lào vẫn đang tích cực triển khai, tìm kiếm người mất tích và cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân. Từ ngày 24/7 đến nay, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith vẫn ở tỉnh Attapeu để trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, thăm hỏi, động viên người dân gặp nạn.
Hiện mặc dù nước đang rút, công tác cứu hộ thuận lợi hơn, nhưng các điểm ngập nặng vẫn gặp nhiều khó khăn về giao thông, thông tin liên lạc và mất điện hoàn toàn. Lực lượng cứu hộ vẫn chủ yếu dựa vào thuyền và trực thăng. Trong ngày 24/7, Chính phủ Lào đã quyết định xuất ngân sách 1,2 tỉ kip (hơn 142.000 USD) để giúp người dân bước đầu khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập và công bố huyện Sanamsat là vùng thiên tai khẩn cấp, đồng thời cho biết có hơn 1.000 gia đình bị ảnh hưởng, nhiều người bị mất tích do sự cố này.
Trong diễn biến liên quan, Yonhap đưa tin ngày 25/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ra lệnh cử một nhóm viện trợ khẩn cấp tới Lào, nơi mưa lớn đã dẫn tới vỡ một con đập do các công ty của Hàn Quốc xây dựng, khiến nhiều người mất tích và hàng nghìn người phải sơ tán. Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn của tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Eui-kyeom cho biết: "Tổng thống Moon đã ra lệnh cho chính phủ phải đề xuất những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, trong đó có việc cử một nhóm viện trợ khẩn cấp tới Lào”. Chi tiết của các biện pháp hỗ trợ của Seoul, trong đó có quy mô của phái bộ hỗ trợ, sẽ được quyết định tại một cuộc họp diễn ra vào chiều cùng ngày, với sự tham gia các Thứ trưởng của các cơ quan hữu quan.
H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)