Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Phú Yên đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tạo cơ hội cho lao động nông thôn học nghề
Ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng mang tính chiến lược của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm và coi đây là khâu then chốt để người lao động nông thôn có cơ hội tự tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương. Căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động và thực tế phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như khu vực, tỉnh chủ yếu mở những lớp dạy nghề thiết thực, nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Đó là những ngành nghề như: Sửa chữa, cài đặt máy tính; sửa chữa máy nổ; điện gia dụng; may công nghiệp; hàn điện; chăn nuôi thú y; sửa chữa xe gắn máy; đan đát, bó chổi; trồng trọt; nuôi trồng thủy sản...
Anh Trần Văn An ở xã An Dân (huyện Tuy An) vì chưa có vốn và kinh nghiệm sản xuất nên chỉ chăn nuôi, trồng trọt với quy mô nhỏ. Năm 2016, anh tham gia lớp học nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tuy An tổ chức. Thông qua lớp học, anh An đã nắm được kiến thức về phòng trị bệnh cho trâu bò, nhất là đối với các chứng bệnh thường gặp như bệnh tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng... Anh An nói: “Nhờ tham gia lớp học nghề, tôi mới nắm vững những kiến thức cơ bản để vệ sinh chuồng trại, chăm sóc bò… Nhờ đó, việc chăn nuôi cũng hiệu quả hơn. Nay bò đã đẻ ra được bê con khỏe mạnh nên tôi vui lắm”.
Được biết, năm 2017, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tuy An đã đào tạo nghề cho gần 400 học viên với các nghề kỹ thuật chế biến món ăn, may công nghiệp, mây tre đan; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò…
Tại TX Sông Cầu, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề địa phương này thực hiện đào tạo nghề may thời trang cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm tại xã Xuân Thịnh. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề TX Sông Cầu, đơn vị xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chiến lược lâu dài với mục tiêu giúp người lao động tiếp cận với nghề được đào tạo trên cơ sở làm kinh tế ngay tại địa phương. Lớp may thời trang ở xã Xuân Thịnh tập hợp các phụ nữ nhàn rỗi, không có việc làm, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo ở 2 thôn Vịnh Hòa, Từ Nham để cùng học nghề, chia sẻ kinh nghiệm trong công việc, giúp nhau thoát nghèo bền vững.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh ở thôn Từ Nham, tham gia lớp học may, chia sẻ: “Từ Nham là thôn còn khó khăn của xã Xuân Thịnh. Khi thị xã có chính sách hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động tham gia học nghề, tôi đăng ký học may. Sau ba tháng, tôi đã biết may cơ bản và nay có thể đi may công nghiệp cho các cơ sở ở địa phương được rồi”.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề
Để đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp sẽ mở thêm các lớp nghề du lịch và dịch vụ; tăng cường mở các lớp tập huấn cho giáo viên về tư vấn nghề, tư vấn việc làm và giải quyết việc làm sau đào tạo. Ông Đoàn Phi Công, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa, nói: “Năm 2018, huyện được tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho gần 400 lao động nông thôn. Để hoàn thành chỉ tiêu này, chúng tôi phối hợp với Trường trung cấp Nghề thanh niên dân tộc để tuyển sinh và đào tạo các nghề may công nghiệp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... tùy theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất”.
Năm 2018, tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 2.400 lao động nông thôn, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 64%; trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47%. Hiện nay, một số địa phương đang triển khai các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như: may công nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, sửa chữa máy nổ cho các đối tượng là lao động nông thôn từ đủ 15 tuổi đến dưới 60 tuổi (đối với nam), dưới 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. “Trong các đối tượng nêu trên, các địa phương ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi, ngư dân”, ông Lê Văn Phổ, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết.
Hiện nay, mục tiêu đào tạo nghề của tỉnh là đa dạng các loại hình giảng dạy những nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động trong các khu công nghiệp tập trung, các cụm điểm công nghiệp, các làng nghề và dạy nghề tham gia xuất khẩu lao động. Đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của người lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Ông Lê Văn Phổ, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) |
KIM CHI