Thứ Hai, 14/10/2024 17:13 CH
Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh
Thứ Ba, 11/07/2017 07:31 SA

Nhân viên y tế tư vấn cho khách hàng tại một chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) chính là nhằm cải thiện sức khỏe, góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ và các cặp vợ chồng trên toàn thế giới. Sự đầu tư này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển. Với ý nghĩa này, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) lấy chủ đề “KHHGĐ: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”, hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7/2017.

 

225 triệu phụ nữ chưa được sử dụng biện pháp KHHGĐ an toàn

 

Theo UNFPA, tại Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994, lần đầu đưa ra phương thức tiếp cận cho phép cá nhân và các cặp vợ chồng được quyền lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp; coi KHHGĐ là một phần nội dung quyền con người, trong đó chú trọng việc tiếp cận dịch vụ KHHGĐ an toàn và tự nguyện là một nội dung quan trọng. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn cho thấy tính tới thời điểm hiện tại, quyền thực hiện KHHGĐ vẫn là một quyền mà nhiều người đang phải tranh đấu để có được. Khoảng 225 triệu phụ nữ trên thế giới có nhu cầu tránh thai hiện chưa được sử dụng các biện pháp KHHGĐ an toàn và hiệu quả. Hầu hết phụ nữ có nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng này hiện sinh sống tại 69 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Ngoài ra, hiện nay có khoảng 12,7 triệu trẻ em gái vị thành niên trong độ tuổi từ 15-19 sinh sống tại các nước đang phát triển có nhu cầu về KHHGĐ nhưng chưa được đáp ứng. Cũng ở các quốc gia đang phát triển, ước tính hàng năm có khoảng 14,5 triệu trẻ em gái trong cùng lứa tuổi này đã sinh con.

 

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, hiện nay, khoảng 24,5% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 ở Việt Nam chưa tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ an toàn, trong đó có 6,1% có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai không được đáp ứng. Ở Phú Yên, khoảng 26% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ. Trong số phụ nữ chưa tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ bao gồm những người không sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, những người đang có con nhỏ; số ít phụ nữ có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận với biện pháp tránh thai hiện đại.

 

Ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: “Thực tế, các dịch vụ KHHGĐ bao gồm các biện pháp tránh thai còn hạn chế. Ngay cả khi các dịch vụ KHHGĐ sẵn có, nhưng vì vị trí yếu thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, trong một số xã hội khiến họ không thể tiếp cận các dịch vụ này vì không có cơ hội đòi hỏi được sử dụng các dịch vụ, biện pháp này với người chồng hay bạn tình. Việc đẩy mạnh tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/sức khỏe tình dục, bao gồm thực hiện KHHGĐ tự nguyện được coi là trọng tâm của định hướng này. Cá nhân và các cặp vợ chồng cần được cung cấp thông tin, được học tập, giáo dục; cần được trao quyền, nâng cao vị thế”.

 

Cũng theo ông Bi, khi phụ nữ đã được trao quyền và nâng cao vị thế thì sẽ là cơ sở cho phép họ có thể đưa ra các quyết định sinh ít con hơn, sinh con muộn hơn. Nhờ đó, phụ nữ có nhiều cơ hội học tập hơn, nhiều cơ hội kiếm sống tốt hơn và có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

 

Phát triển bền vững với chi phí thấp

 

Theo UNFPA, việc giải quyết các nhu cầu KHHGĐ chưa được đáp ứng sẽ góp phần cứu sống sinh mạng của rất nhiều phụ nữ thông qua việc tránh được 60 triệu ca mang thai ngoài ý muốn; giảm 1/3 tỉ lệ tử vong mẹ trên phạm vi toàn thế giới. Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đảm bảo tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc SKSS và sức khỏe tình dục, bao gồm các dịch vụ KHHGĐ. Các biện pháp tránh thai hiện đại đặc biệt là bao cao su có tác dụng làm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh viêm nhiễm qua đường tình dục. Đặc biệt là trong các trường hợp bạo lực tình dục, bạo lực đối với bạn tình, tảo hôn và các hành vi nguy cơ cao như bán dâm để tồn tại hoặc bán dâm vì mục đích thương mại.

 

KHHGĐ có một mối quan hệ chặt chẽ với bình đẳng giới và tăng trưởng kinh tế. Khi phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận rộng rãi hơn với các dịch vụ hỗ trợ tư vấn, chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục và KHHGĐ, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để có thể tìm kiếm các công việc được trả lương cao, tăng mức thu nhập cho gia đình. Khi tiếp cận được với các nguồn lực trong sản xuất, phụ nữ cho biết sức khỏe của họ được chăm sóc tốt hơn, họ có thể đạt được trình độ học vấn cao hơn và ít phải gánh chịu bạo lực từ người chồng hoặc bạn tình hơn.

 

Chị Ngô Thị Hòa ở phường 8, TP Tuy Hòa, chia sẻ: “Tôi sinh đủ 2 con, một gái, một trai. Vợ chồng tôi làm công ăn lương, cố gắng sắp xếp thì cũng đủ nuôi 2 đứa con ăn học và có khoản để dành cho 2 con học đại học sau này. Tôi cũng có thời gian tham gia các hoạt động thể dục thể thao của hội phụ nữ và tìm hiểu thêm kiến thức thông qua báo chí và mạng internet”.

 

Những tác động tích cực này cũng hoàn toàn đúng đối với thế hệ con cái của những phụ nữ này. Các em gái kết hôn muộn hơn sẽ có cơ hội hoàn thành các bậc học cao hơn và số năm đi học ở phụ nữ sẽ tỉ lệ nghịch với số con họ sinh. Chính vì vậy, đầu tư vào KHHGĐ sẽ giúp phụ nữ nâng cao vị thế của mình hơn, giúp họ và gia đình được chăm sóc sức khỏe tốt, được giáo dục tốt hơn và góp phần tạo ra nhiều lợi ích kinh tế hơn. Chị Dương Thị Thu Quy, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, cho biết: “Thực tế hiện nay ở xã Hòa Xuân Đông, phụ nữ đi học nhiều. Tuổi kết hôn tăng cao. Đây là cơ sở giúp các em có cơ hội để quyết định thời điểm sinh con, sinh ít con và tìm kiếm cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp”.

 

Theo nghiên cứu của UNFPA, việc đầu tư vào KHHGĐ còn tạo ra những đóng góp to lớn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao lợi tức dân số và góp phần tăng tiềm năng kinh tế của quốc gia. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, việc thực hiện tốt các quyền về chăm sóc SKSS và sức khỏe tình dục cho phụ nữ và thanh niên/vị thành niên có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới vào năm 2030. Bao gồm các mục tiêu chính là: xóa bỏ đói nghèo cùng cực, có sức khỏe tốt, cuộc sống hạnh phúc và bình đẳng giới.

 

Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Phụ nữ lựa chọn thực hiện KHHGĐ sẽ có sức khỏe tốt hơn và có thể giảm các rủi ro liên quan tới tử vong mẹ. Nếu phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn và được chăm sóc SKSS tốt hơn thì họ sẽ có năng lực và vị thế cao hơn, có thể tìm kiếm và duy trì các công việc thỏa đáng hơn, sẽ đóng góp được nhiều hơn cho gia đình, cho sự thịnh vượng của quốc gia và toàn nhân loại. Đây cũng chính là cơ sở tạo ra lợi tức dân số và góp phần gia tăng thịnh vượng trên phạm vi toàn cầu.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek