Thứ Hai, 14/10/2024 21:13 CH
Mặt trận Tổ quốc với công tác hòa giải ở cơ sở
Thứ Bảy, 08/07/2017 09:47 SA

Một thành viên của Tổ hòa giải thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) giải thích cho người dân hiểu về việc giải tỏa làm đường bê tông nông thôn - Ảnh: HÀ THU

Công tác hòa giải ở cơ sở là việc làm có từ lâu, ngày càng phát huy hiệu quả trong cộng đồng dân cư. Trên địa bàn tỉnh, hàng năm, các cấp Mặt trận cơ sở đã tham gia hòa giải thành hàng trăm vụ việc liên quan đến nhiều vấn đề trong cuộc sống, góp phần tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

 

Nhiệm vụ quan trọng

 

“Thực hiện các hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để thành lập và đưa các tổ hòa giải đi vào hoạt động. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng các tổ chức này. Có thể nói rằng, thực hiện tốt công tác hòa giải góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận trong tình hình hiện nay”, Trưởng Ban Phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh Phan Hấn cho biết.

 

Tổ hòa giải thường có từ 3-5 thành viên, gồm có trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, trưởng các hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Trong đó, trưởng ban công tác Mặt trận được bầu làm tổ trưởng. Tổ này được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chi bộ, có sự phối hợp thực hiện chặt chẽ với các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận.

 

Từ khi Luật Hòa giải có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014, tổ hòa giải ngày càng được củng cố và đi vào hoạt động tích cực. Trên cơ sở đó, ở nhiều địa phương đã thành lập các tổ, câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân, CLB phòng chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình. Tuy có nhiều tên gọi nhưng các tổ này đều cùng chung một nhiệm vụ chính là hòa giải, giải tỏa các bức xúc trong nhân dân. Ngoài tham mưu cho cấp ủy tăng cường công tác vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng cơ sở, tránh được nhiều vụ kiện tụng đông người, vượt cấp, kéo dài, tổ hòa giải còn xây dựng nội dung hoạt động và phối hợp tổ chức cho các thành viên học tập nâng cao trình độ, quán triệt, phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện nhiệm vụ.

 

Những hoạt động nổi bật của tổ hòa giải trong thời gian qua là phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trực tiếp hòa giải thành nhiều vụ việc giúp người dân thực hiện tốt các chính sách pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Tổ hòa giải không chỉ làm tốt công tác tham mưu, đề đạt cho cấp ủy nhiều nội dung để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương mà còn là lực lượng nòng cốt trực tiếp tham gia giải tỏa nhiều vấn đề bức xúc trong cộng đồng dân cư như giải tỏa, đền bù, tranh chấp lối đi, quyền ly hôn, quyền thừa kế... Qua đó đã củng cố niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, chính quyền, xây dựng khối đoàn kết trong toàn dân”, ông Nguyễn Thệ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Phú Lương, xã An Hòa (huyện Tuy An), cho biết.

 

Thiết thực, hiệu quả

 

Nhiều người còn nhớ chuyện của vợ chồng Y Bưng, mí Hoa ở buôn Hố Hầm (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa). Nghe lời kẻ xấu bịa đặt, mí Hoa có quan hệ tình cảm với một người trong xã, dù đã được mí Hoa giải thích nhiều lần nhưng Y Bưng vẫn một mực không tin. Y Bưng cố tìm cách bắt quả tang cho bằng được. Nhưng “bắt” được đâu chưa thấy, Y Bưng đã làm bạn với rượu hồi nào không hay, chuyện nương rẫy vì thế cũng quên luôn, cảnh nhà sa sút, con cái nheo nhóc. Vợ Y Bưng khóc hết nước mắt, đòi tự vẫn nhưng cũng không thể lay chuyển được. Biết chuyện, tổ hòa giải đã tìm hiểu sự việc và biết được đó là lời đơm đặt của một người trước đây từng đem lòng yêu mến vợ của Y Bưng nhưng không được chấp nhận. Tổ kiên trì thuyết phục, mưa dầm thấm lâu, họ đã giúp Y Bưng hiểu hết sự tình. Sau đó, Y Bưng rất ân hận với sự cả tin của mình, anh chí thú làm ăn như trước. “Nếu không có tổ hòa giải, chúng tôi không biết phải làm sao. Chuyện xảy ra đã lâu nhưng tôi thì nhớ mãi để tự răn mình!”, Y Bưng không giấu diếm.

 

Theo ông Phan Hấn, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nhiều vấn đề xảy ra tranh chấp, cũng đã được các tổ hòa giải thành. Điều dễ nhận thấy nhất là việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn. Nhiều tuyến đường lấn vào nhà dân hàng trăm mét vuông đất nên nhiều hộ không đồng tình, đòi khiếu kiện nhưng đã được các tổ trực tiếp đến từng gia đình giải thích thấu tình đạt lý nên đã rút đơn kiện, có hộ còn tự nguyện hiến đất cho Nhà nước. Còn việc vợ chồng cãi vã, đưa đơn ra tòa ly hôn trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây thường xuyên xảy ra. Có nhiều cặp rất căng thẳng, khi các tổ hòa giải, CLB vào cuộc thì trở về sống chung, xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Đồng Xuân, trong năm 2016, các tổ đã hòa giải thành 57 vụ việc, chủ yếu là xích mích trong dân, ly hôn, tảo hôn... Hay như huyện Phú Hòa có số vụ hòa giải thành nhiều nhất với gần 70 vụ việc.

 

Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập gần 625 tổ hòa giải. Hoạt động của các tổ đang ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với thực tiễn, phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp Mặt trận, các tổ chức thành viên. Có thể khẳng định, hoạt động của tổ chức này trong nhiều năm nay rất thực chất, hiệu quả.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hồng Thái nhận xét

 

HÀ ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek