Thứ Hai, 14/10/2024 23:27 CH
Nhiều giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tảo hôn
Thứ Sáu, 07/07/2017 07:00 SA

Tăng cường hợp tác đa ngành, lồng ghép các biện pháp can thiệp tảo hôn vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng một phương án tiếp cận toàn diện giúp giảm thiểu, đẩy lùi tiến tới xóa bỏ tảo hôn ở Việt Nam là những nội dung chính vừa được đưa ra trong hội thảo “Phòng ngừa, chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em: Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn” do Ủy ban Dân tộc của Chính phủ chủ trì.

 

Ông Ma A Báo, cộng tác viên dân số buôn Đắk Sar (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), địa phương có đông người dân tộc thiểu số (DTTS), cho biết: Thời gian qua, mặc dù được cộng tác viên dân số và các đoàn thể ở buôn Đắk Sar thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình nhưng câu chuyện kết hôn sớm cứ diễn ra ở buôn nghèo này. Năm 2015, trong buôn có 8 trường hợp tảo hôn, năm 2016 còn 6 trường hợp. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều ông bố bà mẹ còn sắp đặt cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để có người làm việc. Do đó, con trai, con gái cứ 15-16 tuổi là đi lấy vợ lấy chồng, nếu lấy muộn hơn thì họ coi là… già.

 

Ở Việt Nam, tảo hôn có ở tất cả các tỉnh/thành phố và ở tất cả các dân tộc. Tỉ lệ tảo hôn đặc biệt cao ở các tỉnh có nhiều cộng đồng DTTS sinh sống như các tỉnh miền núi phía Bắc; Tây Nguyên; một số tỉnh miền Trung và ở đồng bằng sông Cửu Long.

 

Theo ông Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em, nếu xét trên bình diện tổng thể thì tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác, tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào DTTS. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng DTTS.

 

Theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), giảm thiểu tình trạng tảo hôn, đặc biệt trong đồng bào DTTS là một cuộc chiến lâu dài và nhiều thách thức. Nguyên nhân là vùng DTTS vẫn là vùng có tỉ lệ nghèo cao nhất cả nước (tỉ lệ nghèo chung của 53 DTTS là 23,1%, cao gấp 5 lần so với tỉ lệ nghèo chung của cả nước); trình độ dân trí còn nhiều hạn chế do chịu ảnh hưởng và bị chi phối mạnh mẽ bởi các phong tục tập quán, trong đó có các phong tục và quan niệm lạc hậu về hôn nhân… “Trong thời gian tới, tảo hôn phải được coi là vấn đề cấp thiết cần được ưu tiên giải quyết và được đảm bảo bố trí nguồn nhân lực để thực hiện; đưa tảo hôn vào giáo dục từ cấp tiểu học, THCS cùng với các nội dung về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực; tăng cường trao quyền cho trẻ em nhất là trẻ em gái đồng thời có các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm đói nghèo, đặc biệt là ở các đồng bào DTTS”, bà Nguyễn Thị Tư khuyến nghị

 

Chia sẻ về vấn đề này, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Chìa khóa để phá vỡ chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em là tăng quyền năng và đầu tư cho phụ nữ, trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng bởi kết hôn trẻ em và tảo hôn cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục và đào tạo, tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục và các dịch vụ xã hội khác”.

 

Theo bà Shoko Ishikawa, để làm được điều này, rất cần Chính phủ Việt Nam và các cơ quan ban ngành cùng vào cuộc trong việc hoạch định chính sách, và giám sát việc thực hiện can thiệp tảo hôn. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào tăng quyền năng cho trẻ em gái cần được ưu tiên ở mọi khía cạnh và mọi lĩnh vực.

 

TUYẾT TRẦN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek