Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh vừa tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (NG-CBQLGD) giai đoạn 2010-2016 trên địa bàn tỉnh. Xoay quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Diệu Thiền, Trưởng Ban VH-XH, cho biết:
Ban VH-XH HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại Sở GD-ĐT - Ảnh: THÙY THẢO |
Nhìn chung, trong giai đoạn 2010-2016, hệ thống văn bản quy định các chế độ, chính sách đối với NG-CBQLGD được Trung ương và tỉnh ban hành cơ bản phù hợp với nguyện vọng của đội ngũ NG-CBQLGD. Trên cơ sở các văn bản quy định của Trung ương, tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho đội ngũ NG-CBQLGD, góp phần động viên đội ngũ NG-CBQLGD yên tâm công tác. Cơ cấu đội ngũ NG-CBQLGD trong toàn ngành cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giảng dạy tại các đơn vị trường học; công tác rà soát, giải quyết thuyên chuyển, sắp xếp ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo định mức biên chế đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học. Trình độ đào tạo của đội ngũ CBQLGD các cấp đều được nâng lên đạt chuẩn và trên chuẩn…
* Bà có thể cho biết cụ thể những kết quả thực hiện chế độ, chính sách đối với NG-CBQLGD giai đoạn 2010-2016?
- Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở GD-ĐT thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với NG-CBQLGD. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm đối với NG-CBQLGD đảm bảo đúng vị trí việc làm, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, chính sách khen thưởng, kỷ luật thực hiện kịp thời đã có tác dụng động viên, khuyến khích NG-CBQLGD thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp nâng cao chất lượng giáo dục tại các đơn vị. Trong các năm qua, nhiều NG-CBQLGD đã nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, của UBND tỉnh...
Việc bồi dưỡng chuyên môn, chính trị đối với NG-CBQLGD được sở, phòng GD-ĐT thực hiện định kỳ từng năm học, đồng bộ từ tỉnh đến xã tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ NG-CBQLGD được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị.
Ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách chung của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành và thực hiện các chính sách đặc thù đối với đội ngũ NG-CBQLGD trên địa bàn tỉnh như Nghị quyết 51/2012/NQ-HĐND ngày 14/9/2012 của HĐND tỉnh về chính sách đào tạo sau đại học trong nước và đào tạo sau đại học ở nước ngoài; chính sách thu hút, sử dụng trí thức…
* Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với NG-CBQLGD hiện nay là gì, thưa bà?
- Bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ NG-CBQLGD trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2016 vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, đề án Vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp đến nay chưa được phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT còn phải thực hiện việc tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ nên gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên để giảng dạy. Công chức, viên chức là giáo viên được điều động về công tác tại văn phòng sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Việc xét chuyển ngạch cho giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp còn nhiều vướng mắc về hồ sơ, đối với những nhà giáo lớn tuổi do hồ sơ cá nhân bị thất lạc nên gặp nhiều khó khăn; Bộ Nội vụ chưa có văn bản quy đổi chính thức về tương đương của chứng chỉ ngoại ngữ A, B hoặc C sang bậc ngoại ngữ theo quy định 6 bậc. Việc xếp lương NG-CBQLGD theo hạng chức danh nghề nghiệp mà không theo trình độ đào tạo là chưa phù hợp với thực tiễn ngành GD-ĐT, không khuyến khích đội ngũ NG-CBQLGD học tập nâng cao trình độ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong thời kỳ đổi mới toàn diện GD-ĐT...
Bên cạnh đó, công tác thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chưa được tổ chức kịp thời; văn bản quy định tuyển dụng viên chức chưa phù hợp với thực tiễn; số lượng giáo viên bậc học mầm non chưa được bổ sung kịp thời theo quy định của Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Công tác thi đua, khen thưởng có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, rập khuôn, máy móc, chưa tạo được động lực, các tiêu chí thi đua chung chung, chưa sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đơn vị…
* Được biết, đợt giám sát nằm trong chương trình giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ban VH-XH HĐND tỉnh có những đề xuất, kiến nghị gì để hoàn thiện hơn các chế độ, chính sách cho đội ngũ này trong thời gian tới?
- Đối với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Ban VH-XH tỉnh đề nghị tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các chế độ, chính sách đối với NG-CBQLGD. Đặc biệt chú ý tới NG-CBQLGD công tác ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, NG-CBQLGD là người dân tộc thiểu số; sớm phê duyệt đề án Vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp để sớm giải quyết bài toán thừa, thiếu nhân sự ngành GD-ĐT của tỉnh; sửa đổi, bổ sung Nghị định 54 của Chính phủ, thêm đối tượng viên chức ở các trường học được điều động về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên. Đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương tháo gỡ tình trạng thiếu nhân viên y tế học đường tại các cơ sở giáo dục công lập như hiện nay, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các trường học và để đủ điều kiện xét công nhận trường đạt chuẩn. Đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ liên quan điều chỉnh Thông tư liên tịch 35 sớm bổ sung định mức biên chế giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học cho bậc tiểu học. Ban hành quy định về các tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng cho giáo viên, đặc biệt là quy đổi tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ; sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với thực tiễn.
Đối với UBND tỉnh, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với đội ngũ NG-CBQLGD trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến; chỉ đạo việc rà soát số lượng nhà giáo đủ điều kiện thi thăng hạng và sớm tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo đúng quy định; thực hiện việc tinh giản biên chế trong ngành GD theo đúng quy định tại Nghị định 108. Đồng thời xây dựng kế hoạch tuyển sinh và bố trí giáo viên của từng năm học kịp thời để có cở sở đề nghị Trung ương bổ sung biên chế; sớm thực hiện Thông tư liên tịch 06 của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập để đảm bảo đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định…
* Xin cảm ơn bà!
THÙY THẢO (thực hiện)