Đang bước vào mùa nắng nóng, nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh dại ở vật nuôi. Để phòng chống hiệu quả loại bệnh này, tránh lây lan sang người. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Ông Nhĩ cho biết:
Ông Đào Lý Nhĩ - Ảnh: THỦY TIÊN |
- Bệnh dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người, là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau, tùy thuộc vào loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Sau khi vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại, khiến con vật chết. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh. Vi rút sẽ xâm nhập qua các vết cắn, liếm, cào, vùng da hay niêm mạc bị tổn thương và vết thương hở.
* Ngành Chăn nuôi và thú y triển khai những công việc gì để phòng dịch bệnh dại trong năm nay?
- Dịch bệnh dại xuất hiện quanh năm, trong đó sẽ phát sinh mạnh nhất vào mùa nắng nóng, kỳ cao điểm từ tháng 3-8 hàng năm. Phú Yên đang bắt đầu vào mùa nắng nên nguy cơ vi rút gây bệnh dại bùng phát và lây lan rất cao. Để phòng chống hiệu quả loại bệnh này, ngành đã triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, cũng như kế hoạch tiêm phòng vắc xin, các biện pháp phòng, chống… Đơn vị còn tổ chức tập huấn cho cán bộ các trạm chăn nuôi và thú y, cán bộ thú y xã, phường về việc tiêm phòng vắc xin dại. Chỉ đạo cho các trạm thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo tại địa phương; đồng thời tăng cường giám sát, xử lý khẩn cấp ổ dịch dại, xử lý động vật khi có dịch xảy ra, lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dại. Hiện đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ vắc xin dại để triển khai tiêm phòng.
* Đối với các địa phương và người nuôi chó, mèo phải làm gì để phòng dịch hiệu quả?
- Các địa phương thực hiện tốt việc thống kê đàn chó, mèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhanh chóng thành lập tổ tiêm phòng phục vụ công tác tiêm phòng vắc xin đảm bảo tiêm phòng đạt tỉ lệ trên 70% để hạn chế dịch phát sinh và lây lan.
Đối với những người nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND xã, phường nơi cư trú. Chó, mèo nuôi phải xích, nhốt, giữ vật nuôi trong khuôn viên gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích chó và có người dắt để đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Người nuôi phải chấp hành tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi. Khi phát hiện chó, mèo có các biểu hiện bất thường phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất.
Người dân huyện Tuy An đưa chó đi tiêm phòng vắc xin bệnh dại - Ảnh: THỦY TIÊN |
* Ông có thể cho biết những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh dại ở động vật?
- Khi vật nuôi bị bệnh dại sẽ biểu hiện ra bên ngoài ở 2 thể:
Thể dại điên cuồng: Sau thời gian ủ bệnh, chó lên cơn dữ dội, mắt đỏ ngầu, chảy dãi, sùi bọt trắng như xà phòng quanh mép, không còn cảm giác, đi như điên lao vào mọi người kể cả chủ để cắn xé một cách tàn bạo. Chó bỏ ăn hay nhai nuốt bất kể vật gì mà nó nhìn thấy. Chó sủa có tiếng khàn hay rú man rợ lên từng hồi. Vài ngày sau, chó bỏ nhà đi hay nằm lỳ ở xó tối chờ chết (sau 2-5 ngày sẽ chết) trong tình trạng kiệt sức, bại liệt, trên mình có nhiều vết thương tự cắn xé.
Thể dại câm: Chó trở nên ngơ ngác, bồn chồn, ăn ít hoặc bỏ ăn. Sau đó lặng lẽ chui vào xó tối nằm lỳ. Vài ngày sau, chó bị liệt chân, liệt hàm không tự há mồm ra được nhưng nước bọt vẫn chảy quanh mép. Chó chết sau 3-5 ngày trong trạng thái bại liệt hoàn toàn. Thể dại này rất nguy hiểm do khó nhận biết.
* Xin cảm ơn ông!
Trong năm 2016, bệnh dại đã bùng phát tại 8 xã của huyện Tuy An, với 29 con chó mắc bệnh. Những con chó mắc bệnh này cắn 38 người, 95 con chó khác và 6 con bò. Trong năm, toàn tỉnh có 4 người chết do chó dại cắn. Theo số liệu thống kê của ngành Y tế, trong năm 2016, toàn tỉnh có 4.194 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng. Trong 2 tháng đầu năm 2017 có 773 người trong tỉnh bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng. |
THỦY TIÊN (thực hiện)