Trưa 13/3, nhóm cựu binh Trường Sa đến nhà liệt sĩ Trương Văn Thịnh ở phường 9 (TP Tuy Hòa). Cầm tay người mẹ của đồng đội đã hy sinh, anh lính Trường Sa Huỳnh Bá Thoại trầm giọng: “Mai là ngày Thịnh ra đi. Tụi con tưởng nhớ anh em đồng đội đã hy sinh nên tổ chức gặp mặt hàng năm đúng vào ngày 14/3. Giờ tụi con tới thắp hương cho Thịnh”…
Đôi tay gầy guộc nhăn nheo nắm chặt tay đồng đội của con trai, mẹ Nguyễn Thị Đảo kể: “Cách đây chừng mười ngày, mẹ nằm mơ thấy thằng Thịnh. Cái thằng hiền lành thiệt thà, tội quá chừng…”. Nói đến đây, người mẹ già nghẹn lại, ánh mắt run run. Những bàn tay chai sạm đang cầm tay mẹ cũng run run. Và trùng trùng sóng đại dương dâng lên trong mắt những người lính trở về từ Trường Sa năm nào.
Cầm tay mẹ, anh lính Trường Sa Phan Thành Định nhỏ nhẹ: “Con là Định, ở phường 4 nè. Hồi nhỏ con vẫn tới nhà chơi với Thịnh. Rồi hai anh em cùng đi bộ đội, cùng đóng quân ở đảo Trường Sa Lớn. Sau đó, Thịnh trở về đất liền học khóa A trưởng rồi tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền…”. Anh Định cho biết, khi hay tin đồng chí đồng đội hy sinh trong trận Gạc Ma, anh rất bàng hoàng nhưng không biết trong số đó có người bạn từ thuở nhỏ. Mãi đến khi trở về đất liền, anh mới biết trong 64 người lính hải quân đã anh dũng hy sinh có hai người con Phú Yên là trung sĩ thông tin Phan Tấn Dư và người bạn thân - trung sĩ pháo binh Trương Văn Thịnh. Anh vội đến nhà cha mẹ anh Thịnh thắp hương và từ đó đến nay, cùng với anh em bộ đội Trường Sa, anh Định gắn bó với gia đình hai liệt sĩ.
“Mỗi lần đến thắp hương cho Thịnh, cho Dư, cảm giác của tôi không thể nào tả được”, cựu binh Trường Sa Nguyễn Anh Thông nói rồi ứa nước mắt. Gần 30 năm đã trôi qua, song anh Thoại, anh Định, anh Thông… luôn tin rằng đồng đội vẫn ở bên cạnh mình.
Tưởng nhớ anh em đồng đội đã hy sinh, những người lính Trường Sa ở Phú Yên tổ chức họp mặt vào ngày 14/3 hàng năm. Đây là dịp để họ gặp lại nhau, cùng thắp nén hương lòng tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống “dùng máu dựng cột mốc chủ quyền”, chia sẻ với nhau bao kỷ niệm một thời giữ biển đảo giữa phong ba, động viên nhau vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Hoạt động ấm áp nghĩa tình này đã được những người lính Trường Sa duy trì suốt 10 năm qua.
Cựu chiến binh Gạc Ma Lê Minh Thoa chuẩn bị quân phục để ngày 14/3 vào Phú Yên dự cuộc gặp gỡ với đồng đội năm nào - Ảnh: DUY THANH |
Anh Huỳnh Bá Thoại, thành viên Ban Liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên, cho biết: Chiều nay 14/3, tại xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), hàng trăm chiến sĩ từng chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma và quần đảo Trường Sa ở nhiều địa phương trong cảnước lại hội ngộ để kỷ niệm 29 năm sự kiện bi tráng Gạc Ma và bảo vệ Trường Sa. Buổi gặp mặt do Ban Liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên tổ chức. Theo anh Huỳnh Bá Thoại, dự kiến có gần 500 cựu chiến binh Trường Sa từ 10 địa phương trong cả nước sẽ về tham dự cuộc gặp gỡ nghĩa tình truyền thống này. “Năm nay, bên cạnh những cựu binh Trường Sa đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh…, chúng tôi còn mời các đoàn từ Long An và Hải Phòng nữa. Đây là những anh em chúng tôi mới kết nối, tìm lại được và những cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 83 công binh xây dựng Trường Sa năm 1988”, anh Thoại cho hay. Theo kế hoạch, tại cuộc gặp gỡ năm nay, Ban Liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên sẽ tặng quà, chúc sức khỏe mẹ Lê Thị Niệm (mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư) và mẹ Nguyễn Thị Đảo, tặng quà cho các cựu binh Trường Sa có hoàn cảnh khó khăn…
“Kể từ khi biết có cuộc gặp gỡ cựu binh Trường Sa này, năm nào tôi cũng mong đợi cho ngày gặp nhau sớm đến”, trưa 13/3, anh Lê Minh Thoa (ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, là thợ máy trên tàu HQ604 trong sự kiện Gạc Ma) cẩn thận gắn các huy hiệu, huy chương lên bộ quân phục hải quân để chuẩn bị lên đường vào Phú Yên dự gặp mặt, thổ lộ. Anh Thoa là một trong chín chiến sĩ bị Trung Quốc bắt trong sự kiện Gạc Ma 29 năm trước, mãi ba năm sau đó mới được trao trả về. “Năm nay, trong số chín anh em bị bắt hồi đó, thêm một bạn là Dương Văn Dũng (ở Đà Nẵng) đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo, sau bạn Hùng ở Thanh Hóa. Nhiều người trong số những anh em còn sống chúng tôi bị đau yếu, đời sống còn khó khăn, nên mong được gặp nhau để vừa ôn lại những ngày chiến đấu gìn giữ Tổ quốc, vừa để tâm sự, động viên, sẻ chia nhiều điều trong cuộc sống. Không chỉ tôi mà chắc chắn là nhiều anh em khác cũng rất háo hức, bồi hồi chờ ngày gặp mặt đã thành truyền thống này”, anh Thoa nói. Người lính trở về từ Gạc Ma kể rằng, mỗi lần nhắc đến hai tiếng “Gạc Ma” là mắt anh tự dưng rơm rớm nước bởi trong đầu như có cuốn phim quay chậm lại thời khắc sinh tử, khi chiếc tàu HQ604 trúng đạn của Trung Quốc chìm dần, anh cùng đồng đội nhảy xuống biển bơi thì bị lính Trung Quốc dùng súng nã thẳng vào… Trước đây, cứ đến dịp 14/3, anh Thoa lại sắp một dĩa trái cây lên bàn thờ, thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Mấy năm gần đây, khi liên lạc được với những cựu chiến binh Gạc Ma và Trường Sa, những cuộc gặp mặt ở Phú Yên, Khánh Hòa, anh Thoa đều chạy xe máy về tham dự vì với anh đó là cuộc gặp gỡ thiêng liêng, nghĩa tình nhất.
DUY THANH - PHƯƠNG TRÀ