Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1559/QÐ-TTg ban hành tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020. Theo quy định, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo là xã có vị trí ở vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có đường ranh giới tiếp giáp bờ biển hoặc xã cồn bãi, cù lao, đầm phá, bán đảo, hải đảo.
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 16 xã được công nhận xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Trong giai đoạn 2011-2015, chương trình vùng bãi ngang làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn các xã vùng ven biển. Tại các địa phương này, nhiều công trình dân sinh đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong giai đoạn 2011-2015, Nhà nước hỗ trợ mỗi xã bãi ngang ven biển hơn 1 tỉ đồng/năm để xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu, như đường nông thôn, bờ bao chống triều cường, kè, công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản, làm đường ra bến cá, chợ cá. Các chợ nông thôn cũng làm cho bộ mặt các xã vùng biển có nhiều khởi sắc, góp phần đáng kể phục vụ sinh hoạt đời sống, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Xã An Chấn được công nhận là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển từ năm 2013. Đến nay, trên địa bàn xã, ba công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng; trong đó, công trình chợ trung tâm xã được Trung ương hỗ trợ 800 triệu đồng. Sau khi đưa vào hoạt động từ cuối năm 2013 đến nay, chợ trung tâm xã đã đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân trong xã. Bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Mỹ Quang Bắc, nói: Từ ngày có chợ mới khang trang, sạch sẽ, đường sá được bê tông, bà con chúng tôi vui mừng lắm. Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân thôn Tân Hòa, xã bãi ngang An Hải (huyện Tuy An), phấn khởi chia sẻ: “Mấy năm nay, nhiều tuyến đường ven biển đã được bê tông xi măng nên việc đi lại, buôn bán rất thuận tiện”. Phó Chủ tịch HĐND xã An Hải Bùi Sinh Nhựt cho biết: Mấy năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Đảng, Nhà nước về cơ sở vật chất, hạ tầng và sự nỗ lực của xã mà diện mạo của vùng quê nghèo khó bãi ngang ven biển An Hải đổi thay rõ rệt, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện xã còn 124 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ khoảng 12%. Toàn xã tiếp tục phấn đấu giảm nghèo theo tiêu chí mới, bền vững hơn.
Ngoài ra, các xã bãi ngang còn lại ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, TX Sông Cầu, TP Tuy Hòa… cũng được đầu tư nhiều công trình và phát huy hiệu quả. Tất cả công trình đã đáp ứng nhu cầu và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Võ Văn Binh, trước mắt, tỉnh tập trung triển khai các biện pháp để giảm nghèo đa chiều, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, tiêu chí về thu nhập, quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1 triệu đồng/người/tháng; thành thị 1,3 triệu đồng/người/tháng. “Khai thác tiềm năng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân là mục tiêu mà Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hướng đến. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tập trung đầu tư những công trình giải quyết nhu cầu bức xúc nhất của nhân dân, tổ chức có hiệu quả việc huy động nguồn vốn trong nhân dân và vốn đối ứng của các địa phương”, ông Binh nói.
Theo quy định, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 phải đáp ứng các tiêu chí như: Có tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo tổng điều tra hộ nghèo năm 2015 từ 16% trở lên (trong đó tỉ lệ hộ nghèo từ 11% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; thiếu (hoặc chưa đủ) 3/7 công trình cơ sở hạ tầng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: cơ sở vật chất trường học, y tế, chưa được đầu tư trung tâm văn hóa, thể thao; thiếu (hoặc chưa đủ) 2/4 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh; thiếu trên 50% cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông, ngư, diêm nghiệp như: đường ra bến cá; bờ bao, kè; trạm bơm cho nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, hệ thống thoát nước… |
KIM CHI