Đảng ta đã khẳng định, bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách xã hội quan trọng, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế. Qua tuyên truyền sâu rộng, chính sách BHYT ngày càng được người dân nhận thức rõ. Tại Phú Yên, nhiều người dân đã chủ động tham gia BHYT.
PHÒNG LÚC ĐAU BỆNH
|
BHYT là của để dành, phòng khi ốm đau bệnh tật. Vì vậy, khi lâm vào cảnh không may, người bệnh và gia đình mới thấy được giá trị của “tấm bùa” hộ mệnh này.
Bà Lê Thị Mỹ Dung ở khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) trước đây suy nghĩ: Nhà nghèo, con đông, cái ăn cái mặc lo còn chưa tới thì lấy tiền đâu tham gia BHYT. Nếu không may bị bệnh thì chỉ cần bỏ một ít tiền ra mua thuốc uống là khỏi, việc gì phải bỏ ra cả mấy trăm ngàn đồng mua BHYT nên bà Dung không tham gia. Năm 2005, bà Dung bị khối u ác tính, phải vào TP Hồ Chí Minh điều trị với số tiền lớn. Điều trị hơn 3 năm, kinh tế gia đình bà trở nên khánh kiệt. Những đứa con phải lần lượt nghỉ học làm công nhân để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Từ gia đình có kinh tế trung bình trở thành hộ nghèo và được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí. Khi được hỗ trợ BHYT, bà Dung có điều kiện hơn trong việc điều trị bệnh. Hiện tại, sức khỏe của bà đã ổn định, các con bà lo làm ăn tích lũy, gia đình thoát cảnh nghèo. Tuy không được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí nữa, nhưng thấy cần thiết, bà Dung tự nguyện tham gia BHYT bởi theo bà, cứ mua để đó chẳng bao giờ thừa. Nếu tham gia BHYT mà không có bệnh thì mừng, mà có bệnh thì có nơi để cùng chia sẻ chi phí.
Còn ông Nguyễn Văn Hòa, 50 tuổi, ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) bán vé số, nhận thấy sức khỏe có phần sa sút nên mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ông cũng tham gia BHYT. “Có tấm thẻ BHYT rồi hễ cảm thấy mệt mỏi lúc nào thì đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Không mất nhiều tiền, lại không phải lo lắng khi chẳng may đau ốm, tôi nhận thấy BHYT mang lại lợi ích thiết thực cho mình”, ông Hòa nói.
NHẬN THỨC NGÀY CÀNG NÂNG CAO
Trước đây, nhiều người lúc khỏe mạnh không bao giờ nghĩ đến việc tham gia BHYT, vì mỗi năm một người phải đóng mức phí đến 621.000 đồng mà lại không đau ốm gì. Tuy nhiên, gần đây, khi nhiều người phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến sức khỏe và những thông tin về BHYT liên tục được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì nhận thức của người dân về loại hình bảo biểm này ngày càng được nâng cao; đồng nghĩa với việc tham gia BHYT của người dân đã và đang trở thành một việc làm thường xuyên, tự nguyện.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hải ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), cho biết chị làm nông nên hiểu biết về các điều khoản của BHYT còn hạn chế. Tuy nhiên, gần đây các phương tiện truyền thông liên tục thông tin về các chính sách BHYT và BHXH tỉnh tổ chức nhiều buổi truyền thông tại khu dân cư nên có nhiều điều trước đây chưa hiểu về BHYT, chị Hải được trực tiếp đặt câu hỏi và nhận câu trả lời bổ ích. Cụ thể, chị Hải thắc mắc: Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định bệnh nhân phải khám bệnh theo tuyến. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tuyến dưới không tốt bằng tuyến tỉnh, nên nhiều bệnh nhân muốn chuyển tuyến để được điều trị tốt hơn. Mà khi vượt tuyến, những người này phải thanh toán một phần chi phí. Tại sao đã đóng BHYT nhưng khi vượt tuyến lại không được BHYT thanh toán 100%? Vướng mắc này được ông Trần Quang Phương, Phó trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, BHXH tỉnh, giải thích: Cơ sở vật chất ở mỗi tuyến đều đáp ứng những nhu cầu khám chữa bệnh thông thường của người dân. Những trường hợp bệnh nhân nặng, việc đến bệnh viện ở tuyến dưới để có sự can thiệp cần thiết của những người có chuyên môn giúp cho quá trình chuyển viện lên tuyến trên được an toàn, tốt hơn là người dân tự mình chuyển lên tuyến trên. Việc này cũng giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Nói về nhận thức của người dân trong việc tham gia BHYT hiện nay, chị Phạm Thị Trà, đại lý BHYT ở khu phố Định Thắng 1 (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa), cho biết: “Bệnh tật không loại trừ bất cứ ai. Bên cạnh nỗi lo cho bệnh tật, người bệnh còn nơm nớp lo về mặt tài chính. Tôi đã thấy có nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó khi mắc bệnh mà không có BHYT”. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, chị Trà cho biết gần đây, nhận thức của người dân về BHYT được nâng lên rõ rệt nên hiện có rất nhiều người chủ động tham gia BHYT.
THÁI HÀ