Vươn lên bằng nghị lực và tình yêu cuộc sống, nhưng thực tế, những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (CĐDC) đang phải đối mặt với nỗi đau về thể xác, tinh thần và thiếu thốn vật chất. Vì vậy, họ rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ của toàn xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh, cho biết: Phú Yên hiện có 11.439 người bị nhiễm CĐDC. Trong đó, số người được hưởng chế độ hàng tháng là 950, gồm những người trực tiếp tham gia kháng chiến và con ruột của người tham gia kháng chiến, được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước. Còn lại vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà những người bị phơi nhiễm CĐDC đến nay chưa được hưởng chế độ da cam, mà chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, họ đang từng ngày vật lộn với đau đớn, bệnh tật, sống trong cảnh khó khăn.
Để góp phần xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân CĐDC, thời gian qua, các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả CĐDC đối với con người và môi trường sống; những di chứng để lại qua nhiều thế hệ, mà hơn hết là nỗi đau mà những nạn nhân bị tật nguyền do di chứng CĐDC đang ngày ngày gánh chịu. Thấu hiểu những khó khăn đó, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ tinh thần và vật chất cho nạn nhân. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), Ngày Vì nạn nhân CĐDC (10/8), các cấp hội đều phối hợp tổ chức động viên, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng. Bên cạnh đó, hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị, xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ việc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân CĐDC. Đồng thời tích cực vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp kinh phí xây dựng nhà Tình thương cho các gia đình nạn nhân đang khó khăn về nhà ở, hỗ trợ sửa chữa nhà, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ vốn sản xuất, tặng bò giống, heo giống, hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh… cải thiện sức khỏe cho các nạn nhân.
Tính từ năm 2010 đến giữa năm 2015, Tỉnh hội đã tiếp nhận tiền và hiện vật với tổng trị giá 7,2 tỉ đồng. Trong đó tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 7.000 suất quà (bình quân 300.000 đồng/suất); hỗ trợ xây mới và sửa chữa 61 căn nhà (từ 20 đến 50 triệu đồng/nhà); tặng 50 sổ tiết kiệm (20 triệu đồng/sổ); hỗ trợ vốn sản xuất cho 56 nạn nhân còn đủ sức khỏe vay không tính lãi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống với số tiền (5 triệu đồng/hộ); trao học bổng cho 106 học sinh bị tàn tật (1 triệu đồng/em) và hỗ trợ thường xuyên 230 nạn nhân đặc biệt khó khăn… Ngoài ra, với tinh thần “Đoàn kết, nghĩa tình và trách nhiệm”, các cấp hội còn tuyên truyền xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống kỳ thị đối với những người tàn tật, mắc các bệnh liên quan tới CĐDC.
Tổ chức Hội Nạn nhân CĐDC các cấp cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập tổ chức hội. Vì vậy, hiệu quả hoạt động của các cấp hội được nâng lên đáng kể, là cầu nối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các chế độ, chính sách cho nạn nhân.
Nhiều cháu là thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị tàn tật do phơi nhiễm CĐDC chưa được hưởng chế độ. Đây là khó khăn rất lớn đối với gia đình họ. Tôi tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành cùng với các tầng lớp nhân dân, sự nỗ lực của các cấp hội, hoạt động chăm lo cho nạn nhân CĐDC sẽ tiếp tục được thực hiện tốt hơn. Qua đó giúp nạn nhân và gia đình vượt qua khó khăn, vơi đi mặc cảm, dịu bớt nỗi đau, hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Việt Khanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh |
KIM LIÊN