Ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi lo lớn nhất của người tiêu dùng. Để giải quyết hiệu quả thực trạng này là cả một chiến lược lâu dài. Và, trong công cuộc ấy không thể không nhắc đến vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho gia đình và cộng đồng.
NHIỀU MÔ HÌNH THIẾT THỰC
Ngày nay, rau là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình, nhưng các bà nội trợ luôn phải đối mặt với các loại rau, quả tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, hóa chất gây bệnh. Thấu hiểu nỗi lo ấy, mô hình câu lạc bộ (CLB) Sản xuất rau an toàn năng suất cao của phụ nữ thôn Ngọc Phước 2 (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) ra đời. Chị Trương Thị Sinh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ngọc Phước 2, Chủ nhiệm CLB, nói: “Mục đích của CLB là tạo điều kiện cho chị em hội viên giúp nhau trong việc trồng rau an toàn, cung cấp nguồn rau sạch ra thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc trừ sâu được phép sử dụng trên cây rau, chúng tôi đều tuân thủ theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh với 4 nguyên tắc: đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc, đúng cách và đúng thời điểm. Đồng thời tuân thủ thời gian cách ly từ khi bón phân, phun thuốc trừ sâu đến khi thu hoạch rau từ 7 đến 10 ngày để phân hủy hết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm chất lượng cây rau an toàn đến tay người tiêu dùng”.
Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc, bày tỏ niềm vui về sự ra đời của CLB trong 2 năm nay: “Điều mà tôi cảm thấy vui nhất là mô hình sản xuất rau an toàn không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, mà còn tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của chị em trong việc bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, góp phần chung tay xây dựng thương hiệu rau an toàn Bình Ngọc”.
Theo Hội LHPN tỉnh, bên cạnh mô hình rau an toàn, Hội Phụ nữ ở các địa phương khác còn thực hiện nhiều mô hình thiết thực khác như: “Nói không với túi ni-lông”, “Trồng cây lấy lá”, “Bếp ăn an toàn”, "Quán ăn hợp vệ sinh", "Phụ nữ kinh doanh hàng, quà giữ gìn trật tự vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm”… góp phần tích cực trong việc thay đổi những hành vi không an toàn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm hàng ngày.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
Chiếm hơn 50% dân số, ngày nay phụ nữ đã và đang có mặt trên lĩnh vực liên quan đến ATVSTP như trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm. Chị em còn là người trực tiếp chăm lo sức khỏe, cuộc sống gia đình. “Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đẩy mạnh việc triển khai cuộc vận động “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” trong các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Qua đó kêu gọi mỗi phụ nữ hãy là người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có lương tâm, là tuyên truyền viên tích cực về ATVSTP. Bên cạnh đó, tổ chức hội còn đẩy mạnh việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ để cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm”, Trưởng ban Gia đình - xã hội Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết.
Ai cũng biết ngộ độc thực phẩm nguy hại khôn lường đến sức khỏe, tính mạng của con người. Nhưng để tháo gỡ nỗi lo ấy là cả một chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự chung tay phối hợp quyết liệt của các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành. Bởi để thay đổi điều này không dễ, nhất là hiện nay có không ít người kinh doanh, nuôi trồng luôn nghĩ đến lợi nhuận của mình trước khi nghĩ đến sức khỏe, an toàn tính mạng của người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, các cấp hội còn vận động chị em tham gia các lớp tập huấn của ngành chức năng về hướng dẫn phương pháp sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu theo đúng quy trình khoa học... nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và người tiêu dùng.
Trong khi chờ đợi những động thái tích cực từ các cơ quan chức năng trong xử lý “loạn” thực phẩm không an toàn như hiện nay, không ai khác hơn là phụ nữ phải tự trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân để trở thành người tiêu dùng thông thái. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2 (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa), nói rằng: “Kinh nghiệm để trở thành người tiêu dùng thông thái luôn được chị em chia sẻ rôm rả trong các buổi sinh hoạt chi hội. Cách phân biệt rau, quả an toàn với rau quả dùng thuốc tăng trưởng; cá tươi và cá bị ướp phân u rê, hay cách nhận biết thịt heo tăng trọng… được chị em trao đổi tích cực, bởi đây là những kinh nghiệm thiết thân cho các bà nội trợ trong việc chăm lo những bữa ăn cho gia đình”.
Để đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm đối với đời sống xã hội và sức khỏe cộng đồng cho hội viên, phụ nữ, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ ATVSTP; thực hiện tốt cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện ATVSTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” cũng như cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.
Trưởng ban Gia đình - xã hội Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh |
LAN KHANH