Thời gian qua, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB-GĐXH) của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (LHH tỉnh) đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần cung cấp cơ sở khoa học giúp các ngành, các cấp có những quyết định đúng đắn khi hoạch định, xây dựng các chương trình, dự án.
MANG LẠI LỢI ÍCH CHO CỘNG ĐỒNG
Qua 18 năm xây dựng và phát triển, LHH tỉnh đã tập hợp được 25 đơn vị thành viên với hơn 18.000 hội viên. LHH tỉnh là một tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện tốt chức năng tập hợp, đoàn kết rộng rãi các lực lượng trí thức KH-CN Phú Yên; phát huy sức mạnh sáng tạo của đông đảo trí thức tham gia tuyên truyền và phổ biến kiến thức cho nhân dân, nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống, bảo vệ môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh TVPB-GĐXH, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh. Thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động TVPB-GĐXH, LHH tỉnh đã soạn thảo quy chế hoạt động TVPB-GĐXH, lấy ý kiến các sở, ngành liên quan; tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức tham gia TVPB-GĐXH các chương trình, dự án để phát triển kinh tế. Hàng năm, đội ngũ trí thức của LHH tỉnh được các sở, ngành mời tham gia vào hội đồng thẩm định, xét duyệt hoặc nghiệm thu, TVPB các quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá tác động môi trường và các chương trình, dự án phục hồi môi trường... Theo đó, các ý kiến tư vấn, thẩm định và phản biện của đội ngũ trí thức LHH và các tổ chức thành viên đã được các hội đồng đánh giá cao; góp thêm cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện các quy hoạch, chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch LHH tỉnh, TVPB-GĐXH là hoạt động không mang tính áp đặt mà chỉ thuyết phục thông qua các luận cứ khoa học và chứng cứ thực tiễn, thể hiện rõ tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ trí thức vì lợi ích cộng đồng. Để có đủ lực lượng chuyên gia có chuyên môn cao trên các lĩnh vực, Thường trực LHH làm việc với các hội thành viên, sở, ngành; các trường đại học, cao đẳng, học viện của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh để xây dựng dữ liệu chuyên gia. Đồng thời, mở rộng việc tập hợp đội ngũ trí thức người Phú Yên đang sống và làm việc trong và ngoài nước, chuyên gia của LHH Việt Nam, các tỉnh bạn và một số chuyên gia đang công tác ở các trường cao đẳng, đại học trong cả nước để tham gia vào hoạt động TVPB-GĐXH. Đến nay, LHH tỉnh đã tập hợp hơn 300 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực.
CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM ĐÚNG MỨC
“Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TVPB-GĐXH của LHH tỉnh cũng còn những hạn chế. Đó là nhận thức của một số cấp, ngành về TVPB-GĐXH cũng như việc tổ chức thực hiện các quy định về hoạt động này theo Quyết định 1089 của UBND tỉnh còn hạn chế; một số chủ đầu tư chưa xem TVPB-GĐXH là bắt buộc; tài liệu cho hoạt động tư vấn, phản biện thiếu kịp thời, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng hoạt động; một số lĩnh vực có rất ít chuyên gia. Đồng thời, kinh phí trả cho các chuyên gia rất thấp, chỉ mang tính hỗ trợ, chưa kích thích những chuyên gia giỏi, tâm huyết; sự phối hợp, kết hợp và tính chủ động của LHH tỉnh trong việc đề xuất các cấp, ngành phản biện các đề tài, dự án còn hạn chế…”, ông Sơn cho biết thêm.
Theo ông Phan Tùng Mậu, Phó chủ tịch LHH Việt Nam, thời gian qua, công tác TVPB-GĐXH của LHH Phú Yên được thực hiện khá tốt. Trong đó có hoạt động ký kết hợp tác với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, hoạt động này rất cần các cấp lãnh đạo quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa về kinh phí, sự phối hợp triển khai hoạt động với các sở, ngành cần chủ động hơn, tránh việc LHH phải thực hiện nhiệm vụ được giao một cách bị động. Hàng năm, UBND tỉnh nên thông báo rộng rãi về các đề tài, dự án cần TVPB-GĐXH và giao LHH tỉnh thực hiện phản biện từ 5 đến 7 dự án. Về phía Trung ương, LHH Việt Nam sẽ đề xuất hỗ trợ kinh phí và tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương.
PHONG NHÃ