Bị khiếm khuyết một phần cơ thể nên trẻ khuyết tật không thể sinh hoạt, học tập bình thường như bao trẻ em khác. Để giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong học tập và cuộc sống, cần sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Bị khiếm thính bẩm sinh, bé Nguyễn Thị Thanh Ngân, 6 tuổi, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt, học tập và hòa nhập cộng đồng. Năm 2009, Ngân vào học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên. Mỗi ngày sau khi kết thúc buổi học, giáo viên tại trung tâm thường hướng dẫn tận tình cho mẹ Ngân cách tập trẻ nói tại nhà, thông qua máy trợ thính để giao tiếp với con. Từ đó, gia đình đã phối hợp cùng nhà trường trong việc giáo dục Ngân mọi lúc mọi nơi. Kết quả mang lại là Ngân đã nghe được, nói được những từ đơn giản, có thể vui đùa với các bạn. Và niềm hạnh phúc như vỡ òa đối với chị Trần Thị Thùy Duyên, mẹ của bé Ngân, khi nghe con gọi được hai tiếng ba mẹ. Chị Duyên xúc động chia sẻ: “Từ khi được đi học, Ngân hoạt bát, nhanh nhẹn hơn trước. Đặc biệt, lúc nghe con gọi 2 tiếng “ba, mẹ”, chúng tôi vui sướng lắm. Đây là điều mà gia đình ao ước từ rất lâu rồi. Nghe tiếng con nói, dường như những khó khăn, vất vả trước kia đều tan biến hết”.
Cô Võ Thị Thùy Giang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Phú Yên, cho biết: “Giáo dục trẻ khuyết tật khó khăn hơn đối với trẻ bình thường, đòi hỏi sự nhiệt tâm của giáo viên và kiên nhẫn của cha mẹ. Chỉ một bên nản chí là trẻ có thể trở lại điểm xuất phát. Sau mỗi buổi học, cha mẹ nên dành một ít thời gian để hỏi thăm tình hình học hành của con tại trung tâm, nghe giáo viên hướng dẫn thêm về phương pháp giáo dục tại nhà. Có như vậy, giáo viên và gia đình mới có tiếng nói chung trong việc giáo dục trẻ”.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, khi sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường không còn chặt chẽ, đồng bộ nữa hay gia đình không còn quan tâm, tiếp tục duy trì các phương pháp giáo dục đặc biệt, thì mọi nỗ lực xem như “cát bỏ biển”. Khi đó, trẻ có thể trở lại điểm xuất phát ban đầu, thậm chí trở nên nhút nhát hơn, khó hòa nhập hơn. Chính vì vậy, để giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay, nỗ lực. Trước hết là gia đình, những người thân phải có trách nhiệm với trẻ, sau đó là nhà trường và xã hội. Bà Hiền cho biết: Trẻ khuyết tật dễ tổn thương khi bắt gặp ánh mắt, cử chỉ và thái độ thiếu tế nhị của mọi người xung quanh. Vì thế, bên cạnh việc giáo dục hòa nhập cộng đồng cho trẻ, các ngành liên quan cũng cần nâng cao nhận thức của xã hội về trẻ khuyết tật. Có như vậy, các em mới nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống, trở thành những người có ích cho gia đình và cộng đồng.
HOÀNG TRÚC