Thứ Hai, 13/01/2025 12:43 CH
Giám đốc trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên Lâm Như Phận:
Đẩy mạnh truyền thông, mở rộng điều trị cho người nhiễm HIV
Thứ Hai, 01/12/2014 10:05 SA

Những phụ nữ bị nhiễm HIV chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống - Ảnh: V.HOÀNG

Để không còn người nhiễm mới HIV và không còn người tử vong do AIDS, trước hết cần xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Đây chính là lý do Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đề xuất mục tiêu “Ba không” và Việt Nam chọn chủ đề Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 là “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”.

 

Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12), Báo Phú Yên phỏng vấn bác sĩ Lâm Như Phận, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, về vấn đề trên.

 

* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh?

 

Đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 592 người nhiễm HIV, trong đó có 254 trường hợp chuyển sang AIDS và 169 bệnh nhân tử vong do AIDS. Có 69 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), qua kiểm tra theo dõi cho thấy hầu hết bệnh nhân đáp ứng tốt, không có trường hợp kháng thuốc.

- Sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn tồn tại khá phổ biến dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau.

 

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mặc dù đã có những tiến bộ nhờ tác động của các hoạt động truyền thông, song vẫn còn một số ít người dân kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm dưới nhiều hình thức khác nhau như: cho người nhiễm HIV ăn riêng, ở riêng, miễn cưỡng giao tiếp hoặc hạn chế, cấm đoán người trong gia đình tiếp xúc với người nhiễm HIV. Sự kỳ thị này còn biểu hiện ở nơi công cộng, nơi làm việc như xa lánh, ngại tiếp xúc với người nhiễm HIV; một số phụ huynh không muốn con mình học cùng lớp với người nhiễm HIV; gây sức ép để người nhiễm xin nghỉ việc hoặc buộc thôi học… với lý do không chính đáng.

 

Chính sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS đã làm người nhiễm bi quan, chán nản, sợ hãi. Họ tự kỳ thị, không tiết lộ danh tính, không tiếp cận được với dịch vụ y tế. Do vậy, chương trình phòng chống HIV/AIDS khó tiếp cận với người nhiễm HIV, nên cũng không có được ca bệnh chính xác, dẫn đến khó ước tính và dự báo chính xác về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

 

* Theo ông, cần làm thế nào để xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử đó?

 

- Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu hiểu biết về căn bệnh này. Mặt khác, hoạt động truyền thông đã đưa những hình ảnh bệnh nhân lở loét, gầy trơ xương… và sự liên hệ giữa HIV/AIDS với các tệ nạn xã hội như tiêm chích ma túy, mại dâm… đã tạo sự sợ hãi trong cộng đồng.

 

Với sự tiến bộ của khoa học, thuốc kháng vi rút đã được đưa vào điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và mang lại hiệu quả. Như vậy, nhiễm HIV không có nghĩa là tất cả đã chấm hết. Chính vì vậy, ta phải chú trọng đến việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác, giải thích rõ ràng đường lây truyền và không lây truyền HIV cho người dân hiểu bằng cách đa dạng hóa các phương pháp truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể như đưa tin, hình ảnh tích cực của người nhiễm HIV, cải thiện hình ảnh của họ, giúp mọi người nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV và gia đình họ cần được tăng cường và mở rộng; động viên tinh thần người nhiễm để họ sống lành mạnh, có ích đối với gia đình và xã hội, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, tạo điều kiện cho nhóm người nhiễm HIV/AIDS có việc làm, tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trường học, doanh nghiệp… Cách làm này vừa giúp người nhiễm có hành vi an toàn, phòng lây truyền cho người khác, vừa làm thay đổi cách nhìn và quan niệm của mọi người về người nhiễm HIV/AIDS.

 

* Công tác tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS ở Phú Yên đã đạt được những kết quả khả quan nào, thưa ông?

 

- Công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Phú Yên luôn nhận được sự quan tâm của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, của các sở, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn. Có thể nói rằng công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; đội ngũ cán bộ làm công tác này không ngừng học tập, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu công việc. Đối với người nhiễm HIV/AIDS, trung tâm làm tốt công tác tư vấn, hỗ trợ, động viên tinh thần để họ nhìn nhận tích cực hơn về cuộc sống, về bản thân, đồng thời chăm sóc và điều trị phù hợp. Số người nhiễm HIV/AIDS tham gia chương trình chăm sóc điều trị ngày càng tăng và tuân thủ điều trị cao. Chính vì vậy, không chỉ tỉ lệ người nhiễm HIV giảm còn 11%, mà số bệnh nhân AIDS đã giảm 25%, số ca tử vong do AIDS không đổi so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Năm nay, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tăng cường phối hợp với địa phương đi giám sát, tư vấn tại nhà riêng cho những người mới phát hiện nhiễm HIV. Qua đó lồng ghép truyền thông, giới thiệu người có nguy cơ lây nhiễm và người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đến các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị. Cũng thông qua các cuộc đến thăm, tư vấn tại gia đình, chúng tôi nhận thấy điều mà những người nhiễm HIV/AIDS mong muốn là có việc làm ổn định, đặc biệt, họ mong muốn xã hội không kỳ thị, phân biệt đối xử để họ có niềm tin và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống.

 

* Theo ông, đâu là sự đổi mới trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Phú Yên?

 

- Công tác phòng chống HIV/AIDS ở Phú Yên được đổi mới theo hướng phòng ngừa là chính, bằng cách đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường sự phối hợp, kiểm tra ở các địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến cho tuyến dưới. Bên cạnh đó là việc mở rộng điều trị xuống tuyến dưới, ở các địa phương, các trại giam…, nếu có đủ điều kiện điều trị. Trước đây, người nhiễm HIV/AIDS muốn điều trị phải lấy mẫu máu gửi ra Bình Định xét nghiệm số lượng tế bào CD4, nếu dưới 200mm3 mới được chỉ định điều trị. Bây giờ, người nhiễm HIV được điều trị sớm hơn. Diện điều trị và đối tượng điều trị đã được mở rộng.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek