Cây lưỡi cọp, dừa cảnh, kim ngân trồng ở nhà giúp loại trừ bụi bẩn bay trong không khí, chuyển đổi khí CO2 thành ôxy vào đêm nên rất tốt cho sức khỏe.
Khoảng 23 năm trước, nhà nghiên cứu Kamal Meattle bị dị ứng nặng với bầu không khí đầy bụi bẩn ở New Delhi, Ấn Độ. Bác sĩ cho biết dung tích phổi của ông đã giảm xuống còn 70%. Với sự hỗ trợ của Viện Công Nghệ Ấn Độ, ông đã phát hiện ra ba loại cây quen thuộc là dừa cảnh, cây lưỡi cọp và kim ngân, có thể tạo ra đủ khí sạch trong nhà để giữ gìn sức khỏe.
Theo đó, cây dừa cảnh (Areca) thích hợp cho phòng khách giúp loại trừ bụi bẩn bay trong không khí mà máy hút bụi không thể loại trừ hết. Loại cây này giúp chuyển đổi khí CO2 thành O2 hiệu quả. Mỗi người cần 4 cây dừa cảnh cao ngang vai là đủ lượng không khí sạch cho hô hấp. Để chăm sóc cây, cần làm sạch bề mặt lá mỗi ngày nếu ở trong môi trường nhiều bụi bẩn. Mang cây ra ngoài trời khoảng 3-4 tháng 1 lần.
Cây lưỡi cọp còn được gọi là cây dành cho phòng ngủ, giúp cả nhà có giấc ngủ ngon với bầu không khí thanh sạch. Về đêm, cây chuyển đổi khí CO2 thành O2 mà nhiều loại cây khác không làm được. Mỗi người cần từ 6 đến 8 cây cao ngang thắt lưng, để thanh lọc không khí.
Cây kim ngân cũng rất phổ biến, phát triển trong môi trường nước có nhiều chất dinh dưỡng. Loại cây này trồng trong nhà có thể giải chất độc formaldehydes và một số chất hóa học dễ bay hơi khác.
Nhóm nghiên cứu của Kamal Meattle đã trồng thử nghiệm 1.200 cây thuộc 3 loại này tại tòa nhà của mình rộng 4.650 m2 với 300 người cư ngụ ở New Delhi, trong vòng 20 năm. Kết quả cho thấy khoảng 42% khả năng lượng oxy trong máu của một người tăng lên 1% nếu người đó ở trong tòa nhà này trong 10 tiếng đồng hồ.
Chính phủ Ấn độ đã công bố kết luận rằng đây là tòa nhà có lợi cho sức khỏe nhất ở New Delhi. Nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng so với các tòa nhà khác, dân sống ở nơi đây giảm 52% bệnh về mắt, 34% bệnh liên quan đến hệ thống hô hấp, 24% chứng nhức đầu, 12% bệnh gây suy yếu chức năng phổi và 9% bệnh hen suyễn. Kết quả nghiên cứu này đã xuất hiện trên trang web của Chính phủ Ấn Độ.
Thực nghiệm cũng chỉ ra rằng năng suất lao động tăng trên 20% với người ở trong các tòa nhà có sử dụng những loại cây thanh lọc không khí này. Nhu cầu năng lượng trong các tòa nhà cũng giảm 15% bởi vì khi đó người ở cần ít không khí sạch hơn. Ấn Độ đang tiếp tục trồng các loại cây này trong một tòa nhà rộng 32.500m2 với 60.000 cây.
Các nhà khoa học cho rằng việc phát hiện ra 3 loại cây làm sạch không khí này rất quan trọng đối với môi trường, bởi vì nhu cầu năng lượng của toàn thế giới dự kiến sẽ tăng 30%. Người ta dần sẽ thích sống và làm việc trong những khu vực có điều hòa không khí.
Kamal theo đuổi kiến trúc xanh, những tòa nhà mang kiến trúc bền vững với phương châm: “Hãy thay đổi thế giới như những gì bạn muốn” như Mahatma Gandhi từng nói.
Theo VNE