Đến phường 6 (TP Tuy Hòa) chúng tôi bắt gặp nụ cười nhẹ nhõm của chị Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN phường, khi nói về vấn đề việc làm cho chị em trên địa bàn: “Nhiều chị em ở vùng biển bây giờ đã có việc làm ổn định từ công việc nhặt lông tổ yến cho các cơ sở làm yến trong phường”.
Theo lời giới thiệu của chị Bé, chúng tôi tìm đến cơ sở Yến Hiệp ở khu phố Bạch Đằng, một trong những cơ sở làm yến đầu tiên ở phường 6. Khoảng 40 phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau đang làm việc tại đây. Chị Đặng Thị Hồng Thủy, 37 tuổi, cho biết trước đây, cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, lo cơm nước, chăm sóc con cái. Nhiều lần, chị muốn tìm việc làm để có thêm ít tiền phụ với chồng trang trải kinh tế trong gia đình, nhưng rất khó, vì con nhỏ, lại không vốn liếng, không trình độ. Từ ngày cơ sở Yến Hiệp ra đời, chị không những có việc làm, có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, mà còn có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái. Chồng của chị Thủy - anh Đặng Ngọc Hồng đi bạn (đi biển thuê), thu nhập hàng tháng bấp bênh, nhất là trong những tháng mưa gió, bão giật, sóng cồn, thuyền đánh cá phải neo mình ở bến, không thể vươn khơi xa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, vợ chồng chị “đứt’ nguồn thu nhập. Vì vậy, có những tháng gia đình chị Thủy rất chật vật khi các khoản chi tiêu trong nhà vây bủa… Chị Thủy bảo, nhờ có công việc nhặt lông tổ yến này mà hàng tháng chị có thêm tiền để phụ với chồng lo trang trải chi phí trong nhà.
Cũng như chị Thủy, chồng chị Phan Thị Thúy Vân ở khu phố Bạch Đằng thường xuyên đi biển vắng nhà. Chị Vân nói: “Tôi vui khi tìm được việc làm gần nhà, có điều kiện chăm sóc con cái”. Không chỉ có chị Thủy, chị Vân mà nhiều chị em khác ở phường 6 đều nói rằng họ rất vui khi không rơi vào tình trạng “ăn không, ngồi rồi” như trước, không còn mang tiếng phụ nữ làng biển chỉ biết “ăn bám” chồng. Những người có “thâm niên” trong nghề 5 đến 6 năm như chị Thủy, chị Vân mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng, còn những người mới vào nghề thu nhập từ 2,1 đến 2,4 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hiệp cho biết: “Công việc nhặt lông tổ yến nhẹ nhàng, không yêu cầu người làm nghề phải có trình độ, kiến thức, mà chỉ cần sự chịu khó, tỉ mẩn, nhanh tay, lanh mắt và kiên trì là được”.
Tổ yến thô (tổ còn nguyên lông và lẫn các tạp chất), sau khi được các cơ sở thu mua về thì họ thuê nhân công làm sạch lông yến và các tạp chất khác, sau đó mới cho ra thành phẩm tiêu thụ. Tùy theo mỗi loại tổ yến khác nhau sẽ có thời gian ngâm trong nước khác nhau, thông thường từ 1 đến 3 giờ. Sau đó, người ta vắt nước và cho vào thau chà liên tục, nhiều lần cho đến khi sạch bớt lông, rồi cho tổ yến vào thau nước sạch, dùng loại nhíp có mũi nhỏ, cán dài để nhổ những chiếc lông măng và tạp chất còn trong tổ yến. Số tổ yến đã làm sạch sẽ tiếp tục đưa qua cho một nhóm người khác nhặt lại một lần nữa. Sau khi đã sạch hết lông, theo từng loại mà người ta xếp từng miếng nhỏ, vụn nhỏ hay kết thành tổ, sau đó đem đi sấy khô và bán ra thị trường.
Chị Nguyễn Thị Bé cho biết: Hiện nay trong phường có gần 10 cơ sở làm yến, mỗi cơ sở thu hút từ 30 đến 50 lao động nữ, không chỉ ở phường 6 mà nhiều lao động nữ ở các địa bàn khác ở TP Tuy Hòa cũng tìm đến làm việc ở những cơ sở này. Công việc nhặt lông tổ yến đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50% lao động nữ vùng biển, giúp chị em có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
LAN KHANH