UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật nhằm thực hiện mục tiêu dạy nghề và tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa: Internet |
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng các hình thức phù hợp về Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật, các chính sách, chế độ về dạy nghề, học nghề, chính sách tạo việc làm cho người khuyết tật và kết quả đạt được; biểu dương các điển hình trong khắc phục khó khăn, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tổ chức rà soát, thống kê số lượng và tình trạng dị tật, nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động, các vị trí việc làm phù hợp với nhu cầu và sức khỏe của người khuyết tật trong các cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương. Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Trong đó, phải dành khoảng 20% kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Phấn đấu đạt 10% trong số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là người khuyết tật; tiếp tục đẩy mạnh tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề và dạy nghề, vừa học vừa làm tại doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 16.650 người khuyết tật, chiếm tỉ lệ 1,91% so với dân số. Theo đề án Trợ giúp người khuyết tật của tỉnh giai đoạn 2012-2015, tỉnh phấn đấu 600 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.
KIM CHI