Văn hóa gia đình với những giá trị, chuẩn mực điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội được hình thành và phát triển qua lịch sử của dân tộc. Các giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp của Việt Nam là những giá trị điển hình đã được thừa nhận và duy trì qua nhiều thế hệ.
Tình nghĩa vợ chồng là một giá trị đạo đức rất cao đẹp có từ lâu đời. Nghĩa vợ chồng được hình thành trong quá trình cùng chung sống. Ngoài tình cảm, nghĩa vợ chồng giúp cả hai vượt qua khó khăn và cám dỗ trong cuộc sống, cảm thông và chia sẻ. Các giá trị truyền thống như tình thương, trách nhiệm, hòa thuận, chung thủy… cần được lưu giữ.
Sự bình đẳng giữa nam và nữ là một giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình Việt Nam. Người vợ và người chồng đều có quyền tham gia vào quá trình sản xuất và hoạt động xã hội, bình đẳng về cơ hội phát triển, có tiếng nói và có quyền quyết định như nhau đối với những công việc quan trọng, có tài sản chung và cùng chia sẻ công việc gia đình. Bình đẳng giới còn thể hiện ở sự thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, quý con trai hơn con gái. Xu hướng ngày nay càng thể hiện rõ trong việc cha mẹ đầu tư cho con cái học hành, không phân biệt con trai hay con gái.
Một giá trị văn hóa gia đình nhân văn khác là tôn trọng trẻ em. Giá trị của đứa con đã thay đổi. Quan niệm đẻ con ra để có thêm sức lao động, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình dần thay đổi. Việc cha mẹ có toàn quyền quyết định số phận của con, con phải tuyệt đối phục tùng cha mẹ, không có ý kiến riêng, không được quyền tham dự vào những công việc của gia đình, kể cả những công việc có liên quan đến bản thân như chuyện học hành, nghề nghiệp, hôn nhân… đã giảm đi trong nhiều gia đình. Ngày nay, việc đầu tư với chi phí lớn trong nuôi dưỡng, học tập, đào tạo nghề nghiệp là nhằm phát triển cho con. Trẻ em không phân biệt trai gái, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung, đều được nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật. Trong gia đình, cha mẹ là người trước tiên chịu trách nhiệm trước pháp luật về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, dành những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em.
Ngoài ra, người Việt Nam luôn tôn trọng gia đình, coi gia đình là một giá trị sống quan trọng. Gia đình có trách nhiệm với cộng đồng và ngược lại, cộng đồng cũng quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ để gia đình ổn định và phát triển. Người Việt Nam kính trọng người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi trong gia đình, coi tình cảm gia đình là nền tảng cơ bản của hạnh phúc.
ĐỨC THÀNH
(Sở VH-TT-DL Phú Yên)