Thứ Năm, 16/01/2025 10:06 SA
Hậu phương của những người bám biển
Thứ Bảy, 01/11/2014 11:00 SA

Chị Trần Thị Gái tự tay vá lưới cho chồng ra biển - Ảnh: P.OANH

Là phụ nữ xóm biển, chịu tiếng nhờ chồng, họ vẫn là những người vợ tảo tần, âm thầm vun vén cho cuộc sống gia đình, làm chỗ dựa cho chồng, con trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn giữa biển khơi.

 

QUẢN LÝ VỮNG VÀNG

 

Từ hai bàn tay trắng, gia đình chị Trần Thị Gái ở phường 6 (TP Tuy Hòa) bây giờ đã sắm được 2 chiếc tàu trên 400 mã lực, nhà cửa khang trang, con cái trưởng thành. Chị Gái tâm sự may mắn nhờ chồng làm biển giỏi giang. Thế nhưng, qua câu chuyện làm ăn, tôi mới hay, người phụ nữ tự nhận nhờ chồng lại là một người quản lý kinh tế gia đình vững vàng và có cả một “kho” kiến thức nghề biển. Chị nói một cách thành thạo về nghề, từ kinh nghiệm mua máy thủy, làm nước, nâng cấp tàu đến chuyện con nước, luồng cá chạy, cả chuyện đóng mới tàu theo chương trình hỗ trợ vốn vay của Chính phủ…

 

Có được như ngày hôm nay, chị Gái không quên một thuở nhọc nhằn. Trước đây, chồng đi bạn cho các chủ tàu khác. Chị sinh con, nuôi con và tích góp tiền mua miếng đất ở ven bờ biển này dựng căn nhà ván tạm bợ. Khi con lớn hơn một chút, hàng ngày chị ra bến mua bán cá, còn tiền chồng đưa về, chị dành dụm. Đến một ngày, chị quyết định góp vốn với một chủ tàu. Rồi năm 2004, chị bàn với chồng đóng một con tàu 260 mã lực, hiện thực hóa ước mơ làm chủ tàu cá.

 

Để có thêm khoản tiền sắm nghề, chị động viên chồng cứ yên tâm ra biển. Một mình, chị tìm đến các lão ngư dày dạn nghề biển để hỏi chuyện đóng tàu. Chồng đi biển, ở nhà xem được ngày, được tháng, chị cho thợ dựng xỏ, đóng tàu. Đến khi lên đà, lắp máy, xảm, sơn… vẫn một mình chị. Chị nói: “Biển cả sóng gió khó lường. Một chi tiết trên tàu, dù nhỏ nhất cũng phải nhắc thợ kỹ càng để được an toàn. 4 tháng bám xưởng, ngày con tàu hạ thủy, người chị gầy rạc nhưng lòng phấn chấn. Sau 3 năm liên tục được mùa cá, chị có tiền sửa nhà, nâng cấp máy và tiếp tục đóng chiếc tàu thứ hai 420 mã lực giao con trai lớn cầm lái.

 

Cuộc sống khá giả, chị vẫn sống giản dị giữ được cung cách con nhà biển chính gốc. Khi tàu của chồng cập cảng, chị lo việc chuyển cá vào trại, cân đong, tính toán, chia tiền lãi, tiền bồi dưỡng cho anh em đi bạn. Ngày chồng đi biển, chị đến đại lý lo chuyện bơm dầu, mua đá ướp cá, mua thực phẩm, gọi lao động. Tấm lưới chồng đi biển đem về, chị vẫn tự tay đem giũ, giặt sạch rồi vá những mành bị rách. Mùa gió bão, chồng ngoài biển, chị lên máy đàm gọi hỏi tin tức chồng rồi dò lên tấm bản đồ dõi theo kinh độ, vĩ độ, đoán ước thời điểm vượt ra khỏi vùng hiểm nguy.

 

GÁNH GIA ĐÌNH VƯỢT “GIÔNG BÃO”

 

Vẫn như mọi ngày, trước khi ra bến, chị Trương Thị Dung nấu bữa cơm cho gia đình, thu xếp việc nhà, lấy sẵn thuốc cho chồng. Rời nhà, chị đến thẳng bãi để xe ba gác. Kéo nhanh lớp hàng rào chắn cửa, chị nắm tay lái chạy chiếc xe ba gác ra bờ cảng. Theo yêu cầu của chủ nậu, chị đẩy chiếc xe đến sát bờ cảng, nhanh tay vác những con cá thu đến nửa tạ chất đầy thùng xe. Xếp xong hàng, chị leo lên yên, nổ máy, lái xe chạy đến chợ Tuy Hòa.

 

3 năm nay, những người làm ăn ở bến cá phường 6 đều thuộc lòng số điện thoại của chị Dung. “Chị ấy mạnh mẽ, nhanh nhẹn không khác cánh đàn ông, có khi còn cẩn thận hơn. Hàng vô tay chị luôn được bảo quản kỹ” - một chủ tàu quả quyết. Bất kể giờ giấc sớm tối, ai cần chở gì, hễ gọi điện là chị đến ngay. Ngoài chở cá, đầu mùa, các chủ tàu thường gọi chị đi chở lưới, thúng, giàn câu, lương thực, thực phẩm ra bến cho tàu đi biển. Cuối mùa, họ chuyển ngư cụ lên bờ, chị lại kéo xe đến, đưa đồ về.

 

Phút dừng tay, chị kể, hai vợ chồng đến với nhau trong cảnh khó nghèo. Chồng chị đi làm thuê trên tàu cá. Những chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương hàng tháng trời khiến anh đổ bệnh. Căn bệnh lao phổi, tiếp theo là viêm tuyến tụy, dạ dày khiến anh kiệt sức. “Cái ăn nhịn bớt đã đành, nhưng tiền thuốc thang cho chồng thì không thể không có. Còn 3 đứa con đang tuổi ăn học...” - chị ngập ngừng chia sẻ. Vậy là, chị lao ra biển, sẵn sàng nhận làm bất cứ việc gì từ gánh thuê, khiêng cá, cho đến bốc, chở hàng… Ban đầu dùng xe đạp thồ hàng, sau thấy nhiều mối hàng không kham nổi, chị chạy tiền mua lại chiếc ba gác cũ, gắn thêm động cơ xe máy để thêm sức chở và thành “Dung ba gác” từ đấy.

 

Chị nói chỉ mong chồng hết bệnh, sẽ cố làm, sắm cho anh một chiếc thuyền nhỏ đánh lưới gần bờ để ngày ngày anh được ra biển. “Chỉ mười mấy năm về đây làm dâu làng biển mà bây giờ không thể xa biển. Cái nghề của mình dù cực khổ nhưng một ngày không ra biển là thấy người bồn chồn không chịu được” - chị Dung nói.

 

PHƯƠNG OANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek