Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên vừa tổng kết cuộc thi tìm hiểu về bình đẳng giới, tiểu đề án II, công tác nữ và viết về gương nữ cán bộ, công chức, viên chức điển hình. Qua đó, nữ cán bộ, công nhân, viên chức (CBCNVC) toàn ngành được nâng cao kiến thức về bình đẳng giới và học tập các gương nữ nhà giáo điển hình.
CUỘC THI Ý NGHĨA
Với mục tiêu 85% nữ CBCNVC trong ngành được tuyên truyền, tập huấn về kiến thức bình đẳng giới, phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, công tác nữ, cuộc thi được chuẩn bị khá chu đáo. Không chỉ nâng cao kiến thức về bình đẳng giới mà đây còn là diễn đàn để chị em gửi gắm tình cảm kính phục, tôn trọng, quý mến của mình đến với những tấm gương điển hình. Từ đó, mỗi người có thêm những bài học ý nghĩa, giàu tính nhân văn, tin yêu vào nghề và cuộc sống.
Những người tham gia trải qua 2 phần thi, gồm trả lời 16 câu hỏi kiến thức về Luật Bình đẳng giới, tiểu đề án II, xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước và một số văn bản liên quan đến bình đẳng giới và thi viết với chủ đề “Gương nữ nhà giáo điển hình” của đơn vị mình hoặc ở một đơn vị khác mà mình biết, viết về người thật, việc thật, không hư cấu. Điểm nổi bật là nhiều bài viết có sự đầu tư và tâm huyết của người dự thi. Phần thi viết về gương nhà giáo điển hình được đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu chu đáo trong việc lựa chọn tấm gương điển hình. Bằng lối viết chân thực, mộc mạc, mỗi tác phẩm như một bức tranh đẹp về nhà giáo, khơi dậy lòng yêu nghề, phát hiện, động viên những tấm gương thầm lặng phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp trồng người, truyền tải những thông điệp đến với nhiều người trong và ngoài ngành.
Theo cô Nguyễn Thị Vân, Hiệu phó Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An), đây là cuộc thi có ý nghĩa to lớn, có giá trị nhân văn sâu sắc. “Bởi qua cuộc thi này chúng ta sẽ tìm ra được những “hạt bụi vàng” còn ẩn khuất đâu đó trong hối hả, bề bộn của cuộc sống; phát hiện được những vẻ đẹp và tài năng tiềm ẩn của người phụ nữ để tôn vinh, nhân rộng”- cô nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, cho biết: “Các đơn vị hưởng ứng cuộc thi rất sôi nổi, xây dựng kế hoạch, thành lập ban tổ chức, ban giám khảo, khuyến khích động viên, nhắc nhở CBCNVC viết bài. Nhiều bài trình bày đẹp, có hình ảnh minh họa; nhiều bài để lại sự cảm động, day dứt, khâm phục nơi người đọc. Cuộc thi đã đạt được mục đích, ý nghĩa và yêu cầu đề ra cả về số lượng và chất lượng bài viết. Đây là bước tạo đà mạnh mẽ cho hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, hoạt động nữ công của ngành. Đồng thời, cuộc thi đã góp phần phát hiện những tấm gương nữ nhà giáo tiêu biểu, mặc dù họ chưa bao giờ được nhận bằng khen hoặc được công nhận là nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân nhưng họ xứng đáng được tôn vinh và là tấm gương để chúng ta noi theo”.
CẦN NHÂN RỘNG
Bên cạnh những đồng nghiệp điển hình được các tác giả chọn viết còn có rất nhiều người viết về chính người thân của mình như mẹ, chị gái, vợ… và rất nhiều bài viết về những cô giáo trẻ yêu nghề, nhiệt tình, năng động, sáng tạo trong giảng dạy và hoạt động phong trào ở miền núi, vùng bãi ngang khó khăn. Một số bài còn đề cập đến những hoàn cảnh khó khăn, không may mắn nhưng họ đã vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần trong thành tích chung của trường, của ngành.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục tỉnh, cho biết: “Cuộc thi nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện 7 mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu 3 của kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của tỉnh giai đoạn 2011-2020 và 6 mục tiêu của kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành giai đoạn 2012-2015. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nhằm thực hiện các quyền hợp pháp của nữ nhà giáo, nữ công chức hướng đến một nền giáo dục có trách nhiệm giới; thông qua các hoạt động nhằm chăm lo, tạo điều kiện cho sự tiến bộ của nữ CBCNVC, thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới; phát huy vai trò, trí tuệ và tiềm năng của phụ nữ ngành trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Ngoài ra, cuộc thi còn tạo điều kiện cho nữ CBCNVC nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người vợ; đánh giá công tác và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ trong ngành ở các đơn vị và hơn hết là phát hiện các gương nữ nhà giáo điển hình nhằm giúp lãnh đạo ngành có kế hoạch giúp đỡ, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ và nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn ngành. Chính vì vậy thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu nhân rộng bằng nhiều hình thức”.
Qua hơn 8 tháng phát động, toàn ngành thu hút 13.271 bài dự thi. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 42 giải cá nhân, tập thể. Cá nhân xuất sắc thuộc về cô Nguyễn Thị Vân, Trường THPT Lê Thành Phương; tập thể xuất sắc trao cho Phòng GD-ĐT TP Tuy Hòa.
PHONG NHÃ