Thứ Sáu, 17/01/2025 04:53 SA
Để người Việt dùng hàng Việt: Phải vận động người dân với cường độ cao
Thứ Bảy, 11/10/2014 18:42 CH

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, phát biểu tại hội nghị

“Hàng nội cũng có những mặt hàng yếu kém, nhưng cũng có những mặt hàng tốt và ngày càng tốt hơn. Ngay cả các đô thị, nơi có nhiều hàng nước ngoài nhưng người ta vẫn ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chứng tỏ thói quen tiêu dùng của nhiều người đã thay đổi”.

 

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại Hội nghị Tổng kết 5 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày 11/10, tại Hà Nội.

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, cuộc vận động đã có kết quả trong thu nhập và việc làm cho người Việt Nam. “Nếu người tiêu dùng mua hàng Việt Nam, thì người sản xuất được việc làm. Còn nếu người tiêu dùng mua hàng nước ngoài,  thì người Việt không có thu nhập. Doanh nghiệp bán được hàng, người lao động có việc làm”. Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cuộc vận động cũng còn nhiều hạn chế, hạn chế lớn nhất là việc nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến cuộc vận động. “63 tỉnh, thành đều đã thành lập Ban chỉ đạo, nhưng sau 5 năm, có 39 tỉnh, thành chưa có kế hoạch triển khai. Trong 26 bộ, ngành mới chính thức có 4 bộ, ngành có kế hoạch triển khai sau 5 năm. Đây là điều đáng suy nghĩ”.

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới phải vận động, tuyên truyền với cường độ cao. Truyền thông phải tuyên truyền có sức thuyết phục, sát với từng đối tượng và tuyên truyền liên tục. Các cơ quan của Chính phủ, UBND các cấp, các doanh nghiệp thực hiện đề án 634 Chính phủ đã phê duyệt, trong đó đề cập đến vấn đề xúc tiến thương mại, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ thương hiệu…. “Phải xây dựng kế hoạch hành động 2015 của từng tỉnh theo đề án của Thủ tướng. Các bộ, ngành, đặc biệt, Bộ Công thương xây dựng chương trình hoạt động của mình trong năm 2015. Các bộ, ngành có kế hoạch triển khai thì mới có chương trình vận động của Mặt trận đồng bộ với các địa phương.

 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng cụ thể kế hoạch truyền thông cho 2015, trong đó phát hiện các điển hình để tuyên dương, khen thưởng, tạo công nhận xã hội. “Bộ Công thương, Bộ TT-TT cần đề xuất tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

 

Xây dựng báo cáo để báo cáo với Bộ Chính trị kết quả 5 cuộc vận động và xin ý kiến Bộ Chính trị trong 5 năm tới. Về tổ chức thực hiện, đề nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam theo hướng: Trưởng ban chỉ đạo ở địa phương có thể là thường vụ tỉnh ủy, có thể là phó bí thư cấp ủy, phó chủ tịch UBND hoặc chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Về phía MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch hoạt động triển khai cuộc vận động.

 

Theo Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", sau 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng Việt Nam đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa  Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; TP Hà Nội là 83%.

 

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 7/2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi “Rất quan tâm” và “Quan tâm” đến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 63% số người tiêu dùng "Tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (tăng 4% so với năm 2010 ); 54% người tiêu dùng "Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam" (tăng 16% so cuộc điều tra dư luận xã hội vào tháng 11/2010).

 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, Cuộc vận động các tỉnh, thành phố, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...

 

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, một số cấp huyện và cơ sở đã chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Phát huy vai trò của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện Cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động.

 

Ban chỉ đạo cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công tác vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đó là một số cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Cuộc vận động ở địa phương, đơn vị. Nhiều nơi có biểu hiện giao khoán cho Ban chỉ đạo Cuộc vận động; trong triển khai thực hiện Cuộc vận động còn hình thức, đối phó, biện pháp còn chung chung, thiếu cụ thể.

 

Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động của một số cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương chưa thường xuyên, liên tục; chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động.

 

Trách nhiệm công tác quản lý, điều hành của một số cấp chính quyền trong thực hiện Cuộc vận động chưa thể hiện rõ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Một số cơ chế, chính sách chưa thật thông thoáng, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường. Công tác quản lý thị trường, hải quan, thuế; đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, bất cập.

 

Còn nhiều doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện Cuộc vận động, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả thấp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Trong triển khai thực hiện Cuộc vận động, một số Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, thành phố và các ngành thành viên Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương còn lúng túng, bị động. Ở nhiều ngành, địa phương, đơn vị chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và ban ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện Cuộc vận động. Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã bàn các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek