Trong hành trình trở lại chiến trường xưa do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, nhiều đồng nghiệp từng hoạt động điện ảnh ở Khu 5 luôn nhắc đến nhà quay phim Nguyễn Trưng. Không chỉ để lại cho điện ảnh tài liệu Việt Nam những thước phim vô giá được quay trong lửa đạn, mà sự sống sót của anh trước bủa vây súng đạn quân thù còn như một điều kỳ diệu…
![]() |
Nhà báo Nguyễn Trưng tại chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu |
Chuyện người sống sót
Có một nơi mà trong chuyến đi ấy, anh Trưng luôn đau đáu được trở lại. Đó là thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Căn nhà mà anh Trưng tìm đến đầu tiên chính là nhà chị Tạ Thị Ninh, du kích và là y tá xã Phổ Cường - ngôi nhà từng cưu mang 2 nhà quay phim Nguyễn Văn Giá, Nguyễn Trưng trước khi anh Giá hy sinh.
Sau cái ôm chầm người chị sau bao năm tháng xa cách, anh Trưng hỏi chị Ninh: “Ngày trước em chụp hình chị Trâm (bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - PV) chỗ nào?”. Chị Ninh vẫn còn nhớ như in: Chỗ cây cau này, chị mới chặt vì nó rập đất. Hồi đó, chỗ này là chuồng trâu, có một hàng tre. Em và Giá đứng quay cảnh chiếc máy bay sà xuống câu bồ lúa. Chị ra, nói mấy em trốn đi. Em cứ núp dưới chuồng trâu rồi nói: “Tụi em quay phim mà. Nếu trốn đi làm sao quay được...”. Chị nhớ nó bắn pháo, nó thả bom; Trưng và Giá vẫn cứ quay phim.
Không xa nhà chị Ninh là hầm bí mật, nơi anh Trưng, anh Giá cùng nhiều đồng chí, đồng nghiệp vào ẩn náu khi bị địch phát hiện. Anh Trần Văn Sang, người đang ở căn nhà này, nhớ lại: Hồi đó tui còn nhỏ, tui chui vô hầm luôn. Tới chừng bà già tui chạy; thằng Mỹ vô chìa chìa cây súng, tui chui ra. Nó tưởng có mấy ổng ở trỏng, bèn lấy súng hất tui qua một bên. Tui quyết định băng qua bờ rào. Nó tưởng anh còn trong hầm, không nghĩ là anh đi rồi...
Anh Trưng nhớ từng chi tiết: “Sáng sớm hôm đó, Mỹ đổ quân. Một chiếc máy bay chụp xuống; một thằng tay cầm đại liên, tay cầm lựu đạn kêu VC, VC (Việt cộng). Anh Lý du kích bảo để tui bắn nhưng chưa kịp bắn thì máy bay bốc lên; anh Giá chạy hướng này. Tui bỏ máy quay phim, cột vào gùi đeo lên chạy ra nhưng không còn ai hết. Tôi kêu anh Giá ơi, anh Giá ơi thì 7-8 chiếc trực thăng đổ quân đảo lên đảo xuống. Nó bắn ghê lắm. Tui chạy ra mương. Tháng 10 nên nước lúp xúp. Đến đầu mương, tui nghe tụi Mỹ gọi nhau. Tui bèn quay lại đây thì nghe tiếng bọn Mỹ nói chuyện. Hết đường, tui lại chạy ra mương ngồi núp. Thằng Mỹ đi qua đi lại rồi ngồi xuống. Tui ngồi trên, nó ngồi dưới, thằng ngồi đây, thằng đứng bên kia.
Phần lớn phim quay ở chiến trường được gửi ra miền Bắc in tráng rồi dựng. Nhiều phim, sau mấy mươi năm tác giả mới được xem.
Ngồi cả ngày đêm, bên kia là lính Mỹ, tui còn ngửi thấy mùi thuốc lá, nghe nó trao đổi với nhau và thấy cả cái họng súng AR 15. Tui rút sẵn trái lựu đạn US, mở chốt giữ trong người. Nếu bọn Mỹ phát hiện, chỉ còn một cách là tui bung lựu đạn ra để không lọt vô tay nó. Mình tan xác đã đành, nhưng mấy thằng Mỹ cũng phải chết!”.
Sau này anh Trưng mới biết, chỉ huy cuộc càn quét hôm ấy đóng ở đây. Do đó nó ở suốt một đêm, đến 3, 4 giờ chiều hôm sau mới chịu rút.
Ai cũng nghĩ anh Trưng đã chết trong trận này, nhưng anh may mắn sống sót. Cách chỗ anh Trưng ẩn náu không bao xa chính là nơi anh Giá bị địch bắn...
Có một điều anh Trưng rất nuối tiếc là khi Mỹ rút đi, lính Việt Nam Cộng hòa vào tiếp quản nên số phim anh và anh Giá quay rồi cất giấu ở nhà chị Ninh, anh không lấy được. Anh Trưng đã chờ đúng 1 tuần để nhờ người tìm kiếm rồi mới trở lại chiến khu...
Những kỷ niệm không thể nào quên
Bấy giờ, Tiểu ban Điện ảnh Khu 5 giao cho hai nhà quay phim Nguyễn Văn Giá và Nguyễn Trưng chiếc máy quay phim Bolex của Thụy Sĩ, quay bằng cơ. Những năm kháng chiến, để quay được một thước phim từ chiếc máy này là rất gian nan, nhưng đối với hai anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác, có máy quay là quý lắm rồi.
Không những có máy quay phim, anh Giá còn mang theo chiếc máy ảnh Canon do cơ sở cách mạng ở đồng bằng mua gửi lên. Tháng 3/1970, hai anh Nguyễn Văn Giá và Nguyễn Trưng lên đường từ Quảng Đà về Quảng Ngãi rồi xuống Đức Phổ cùng chiếc máy quay và chiếc máy ảnh, các loại thuốc tráng phim, giấy rọi ảnh…
Một trong những tác phẩm mà nhà quay phim Nguyễn Trưng đóng góp những thước phim quý giá chính là bộ phim tài liệu Giải phóng Nông Sơn Trung Phước. Hồi đó, không phải nhà quay phim nào cũng biết được đứa con tinh thần của mình ra sao ngay sau khi quay xong. Vì phần lớn phim quay ở chiến trường được gửi ra miền Bắc in tráng rồi dựng. Nhiều phim, sau mấy mươi năm tác giả mới được xem. Riêng bộ phim tài liệu Giải phóng Nông Sơn Trung Phước, tác giả quay phim Nguyễn Trưng mới xem lần đầu khi trở lại chiến trường xưa, nhờ đồng nghiệp từ Hà Nội tìm kiếm mang vào.
Anh Trưng chia sẻ: Xem phim Giải phóng Nông Sơn Trung Phước, tôi rất xúc động vì những ký ức cũ. Hồi đó quay xong là đơn vị đóng gói gửi ra Bắc, từ đó đến nay mới được xem lần đầu tiên. Những gian khổ, hiểm nguy của anh em Sư 2 hành quân trong đêm, đến nơi đóng bè cho xe tăng vượt sông, qua khỏi ấp mới lên đỉnh núi nằm, chờ nổ súng... cảm động lắm.
Cùng quay bộ phim tài liệu Giải phóng Nông Sơn Trung Phước còn có nhà quay phim Trần Ngọc Dân, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên. Chiến thắng Nông Sơn Trung Phước (18/7/1974) là một trong những chiến công vẻ vang trên mặt trận Quảng Đà. Và để có được những thước phim tài liệu vô giá về chiến công này, những nhà quay phim của Điện ảnh Khu 5 phải bám sát mũi tiến công của bộ đội.
![]() |
Máy quay phim hiệu BOLEX H16 Reflex của nhà báo Nguyễn Trưng được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: NGỌC HÂN |