Đừng coi thường bệnh sởi

Đừng coi thường bệnh sởi

Đông xuân là mùa của các bệnh lây qua đường hô hấp, trong đó có sởi. Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này đang bùng phát mạnh.

BSCKII Nguyễn Thành Lãm nghe phổi một thanh niên mắc bệnh sởi, đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp

Đêm 13/2, chị H.Đ (31 tuổi, người dân tộc thiểu số, ở xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên trong tình trạng sốt, đau đầu, phát ban. Người nhà cho biết chị H.Đ đang mang thai 10 tuần; chị ho suốt cả tuần qua. Vào Khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sởi, biến chứng viêm phổi. Đến tối 14/2, căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này cướp đi đứa con trong bụng chị H.Đ.

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã mời bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên đến hội chẩn, chẩn đoán bệnh nhân bị sẩy thai. Đây là nguy cơ luôn hiện hữu đối với các thai phụ mắc bệnh sởi. Chị H.Đ đang được điều trị, theo dõi tại Khoa Bệnh nhiệt đới.

Theo BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, đông xuân là mùa của các bệnh lây qua đường hô hấp, trong đó có sởi. Từ tháng 11/2024 đến giữa tháng 2/2025, Khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận, điều trị 21 ca bệnh sởi và 19 ca nghi sởi. Nhiều trường hợp bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở oxy.

Lý giải nguyên nhân bệnh sởi bùng phát mạnh, bác sĩ Nguyễn Thành Lãm nói: “Trong một thời gian, chúng ta tập trung chống dịch COVID-19. Rồi do vướng mắc trong đấu thầu, chúng ta thiếu vắc xin phòng bệnh sởi. Mặt khác, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu anti vắc xin (phản đối tiêm vắc xin - PV). Khi tỉ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp, miễn dịch cộng đồng giảm, bệnh sởi bùng phát trong cả nước, Phú Yên cũng không ngoại lệ”.

Có những trường hợp mắc bệnh sởi mà không biết, khi vào bệnh viện điều trị mới phát hiện. Như vậy, người bệnh đã trở thành nguồn lây trong cộng đồng.

Nhận diện và phòng ngừa

Theo tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi” do Bộ Y tế ban hành, sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Bệnh này thường xảy ra vào mùa đông xuân, chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng không đầy đủ.

Bệnh sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Khi ban xuất hiện khắp toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Đến giai đoạn hồi phục, ban nhạt dần và chuyển sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn rồi dần biến mất. Người bệnh có thể có triệu chứng ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban. Nếu không có biến chứng thì bệnh tự khỏi.

Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng lây truyền nhanh, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... và có thể gây tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thành Lãm cho biết: Bệnh sởi có thể gây “mất trí nhớ miễn dịch”, tức là có thể làm cho cơ thể không còn ghi nhớ miễn dịch đối với những tác nhân gây bệnh khác, dẫn đến suy giảm miễn dịch và rất dễ bội nhiễm. Người mắc bệnh sởi có thể bị hàng loạt nhiễm trùng ở đường hô hấp, răng miệng, lao phổi… Chính vì sởi gây suy giảm miễn dịch nên có thể dẫn đến những biến chứng rất nặng nề, gây tử vong.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, phát hiện và điều sớm biến chứng. Người mắc bệnh sởi cần được cách ly theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp nhằm cắt đứt nguồn lây; thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban. Nhân viên y tế và người chăm sóc hạn chế tiếp xúc gần với bệnh nhân nếu không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần; sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc...

Bệnh sởi nguy hiểm nhưng chúng ta có thể chủ động phòng bệnh bằng vắc xin. Bác sĩ Nguyễn Thành Lãm lưu ý: Để phòng ngừa bệnh sởi, cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong đó mũi đầu tiên bắt buộc tiêm lúc 9 tháng tuổi. Không chỉ trẻ em, mà người trưởng thành chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vắc xin trước đây - đặc biệt là những người đến các vùng có dịch sởi, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang có ý định mang thai - đều cần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Vì sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp nên trong thời gian số ca mắc sởi gia tăng, người dân nên hạn chế đến những nơi tập trung đông người, đặc biệt là trong không gian kín; đeo khẩu trang đúng cách khi đến nơi đông người; sát khuẩn tay thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc với những vật dụng có nhiều người tiếp xúc ở nơi công cộng; có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, làm việc - nghỉ ngơi hợp lý, vận động thể lực thường xuyên để nâng cao thể trạng. Bác sĩ Nguyễn Thành Lãm nhấn mạnh: “Cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất là tiêm vắc xin, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ, người lớn chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vắc xin sởi”.

YÊN LAN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn