Cha mẹ là những người đầu tiên trong cuộc đời mà con cái giao tiếp và học cách giao tiếp, ứng xử. Vì vậy, việc lắng nghe giữa cha mẹ và con cái là chìa khóa để xây dựng và củng cố tình yêu, sự tin tưởng, tôn trọng, là nền tảng để duy trì mối quan hệ đặc biệt này trong suốt cuộc đời.
Cũng chính sự ủng hộ từ phía cha mẹ, gia đình là điểm tựa vững chắc cho con cái. Họ có thể quay trở về để được giãi bày những nỗi niềm và nhận lại năng lượng, sự động viên để tiếp tục cố gắng sau những khó khăn, vấp váp trên đường đời.
Tôn trọng và tạo điều kiện
Sinh ra trong gia đình có cha và mẹ luôn dành tình yêu thương cho con cái, vì vậy, em Nguyễn Đào Cẩm Vân ở xã An Mỹ, huyện Tuy An luôn mạnh dạn bày tỏ chính kiến về các vấn đề trong cuộc sống và học tập, được cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm.
Cẩm Vân chia sẻ: “Mặc dù rất bận rộn nhưng cha mẹ luôn ủng hộ khi em bày tỏ mong muốn. Em không phải chịu sự áp đặt từ gia đình mà được tôn trọng, lắng nghe, được sống với cảm xúc và suy nghĩ của mình. Đó là điều em thấy mình may mắn và hạnh phúc”.
Không chỉ tôn trọng ý kiến mà cha mẹ còn luôn tạo điều kiện cho Cẩm Vân tham gia xây dựng môi trường sống, an toàn, lành mạnh trong học đường, cuộc sống. Theo Cẩm Vân quan sát, tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại ngày càng nhiều. Đây là vấn đề phổ biến trong nhiều gia đình. Bạo lực không chỉ bằng hành động mà còn cả lời nói. Có những lời nói gây tổn thương như những hành động xấu.
“Vì vậy, em mong muốn và hy vọng mọi người chung tay xóa bỏ những hiện tượng xấu này ra khỏi xã hội để không ai bị tổn thương tinh thần, dẫn đến những sai lệch trong hành động và xảy ra những câu chuyện buồn”, Cẩm Vân nói.
Anh Nguyễn Văn Tây - cha của Cẩm Vân cho rằng, việc lắng nghe con nói mỗi ngày là yếu tố để hình thành và củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đây cũng chính là chìa khóa để hình thành sự hiểu biết, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.
“Vợ chồng tôi luôn tranh thủ thời gian đưa đón con đi học để hỏi con hôm nay đi học có gì vui không? Có gì làm con buồn không? Hôm nay con chơi cùng bạn nào? Tôi nghĩ, là cha mẹ cần phải biết lắng nghe, phải dõi theo, dang tay ra cho con nắm đúng lúc con cần”, anh Tây bày tỏ.
Em Nguyễn Lê Như Nguyệt ở thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa cũng cảm thấy rất may mắn khi ý kiến của em được cha mẹ quan tâm. “Tuy nhiên em nhận thấy, vì cuộc sống tất bật, cha mẹ phần nào phớt lờ, bỏ qua những ý kiến của em. Vậy nên em mong rằng, thời gian tới, cha mẹ có thể lắng nghe quan điểm của em hơn”.
Để trẻ em được phát triển toàn diện
Tại Điều 4 Luật Trẻ em 2016 sửa đổi và bổ sung, trong phần giải thích từ ngữ nói rõ: Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Sự phát triển toàn diện của trẻ em là phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em.
Để bảo đảm việc bảo vệ trẻ em và giúp trẻ em phát triển toàn diện, Luật Trẻ em 2016 đã quy định những nguyên tắc nhằm bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em trong thực tế. Điều 5 quy định: Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình; không phân biệt đối xử với trẻ em; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em; tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em...
Song song đó, để bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, Luật Trẻ em cũng quy định 15 hành vi bị nghiêm cấm. Đó là, nghiêm cấm tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác...
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, để bảo vệ trẻ em và thực thi quyền trẻ em một cách toàn diện, việc lắng nghe ý kiến của trẻ em nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực và có ý nghĩa của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến trẻ em cần phải được thực hiện nghiêm túc.
Theo các chuyên gia về gia đình, trong quá trình nuôi dạy con cái, lắng nghe để thấu hiểu là phương tiện không thể thiếu giúp cha mẹ giáo dục con cái tốt hơn. Một đứa trẻ sẽ gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý và phát triển không lành mạnh nếu rơi vào tình huống cha mẹ không lắng nghe, không tin tưởng trẻ mà đã vội vàng đưa ra kết luận có tính chất không phù hợp đối với trẻ, khiến đứa trẻ cảm thấy bị oan ức. Lâu dần, trẻ sẽ dễ rơi vào tình trạng khó khăn về tâm lý, chẳng hạn như rối loạn lo âu, ám ảnh xã hội, trầm cảm...
Ngược lại, khi đứa trẻ được cha mẹ lắng nghe và trao đổi một cách tình cảm, đồng thời tôn trọng quan điểm của trẻ thì trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương, quan tâm và có động lực để phát triển và học hỏi.
Mặc dù rất bận rộn nhưng cha mẹ luôn ủng hộ khi em bày tỏ mong muốn. Em không phải chịu sự áp đặt từ gia đình mà được tôn trọng, lắng nghe, được sống với cảm xúc và suy nghĩ của mình. Đó là điều em thấy mình may mắn và hạnh phúc.
Em Nguyễn Đào Cẩm Vân ở xã An Mỹ, huyện Tuy An |
THIÊN LÝ