Những năm gần đây, một số tỉnh Nam Trung Bộ bắt đầu quan tâm đến việc mời gọi các đoàn làm phim về địa phương mình để sản xuất phim truyện điện ảnh và truyền hình. Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, mang nhiều nét đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, các tỉnh đều kỳ vọng điện ảnh sẽ góp phần quảng bá hình ảnh địa phương nhanh nhất để thu hút nhà đầu tư và khách du lịch.
Điều này đã có kết quả bước đầu từ Phú Yên, Đà Nẵng, Khánh Hòa đến Bình Định và Quảng Ngãi…
Từ hiệu ứng phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Sau khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Victor Vũ) được công chiếu vào cuối năm 2015 với thiên nhiên hút hồn, Phú Yên mới được nhiều người quan tâm, nhiều nhà đầu tư, khách du lịch tìm đến, ngày càng ghi dấu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Trước thời điểm bộ phim nói trên công chiếu, tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Phú Yên là 12-13%/năm. Sau năm 2015, tốc độ tăng trưởng khách du lịch khoảng 25%/năm. Năm 2014, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên chỉ đạt hơn 750.000 lượt; đến năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19) đạt hơn 1,8 triệu lượt khách, gấp 2,5 lần so với năm 2014. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt gần 2.000 tỉ đồng, gấp 2,8 lần so với năm 2014.
Năm 2022, “Du lịch Phú Yên” là một trong ba từ khóa hàng đầu về địa điểm du lịch trên công cụ tìm kiếm Google Việt Nam; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt gần 2.800 tỉ đồng. Dịp lễ 2/9/2024, Phú Yên đón 46.500 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 93 tỉ đồng. Tuy còn khiêm tốn so với nhiều địa phương, nhưng là tín hiệu đáng mừng.
Tọa đàm tại hội thảo “Du lịch, điện ảnh và thể thao - Kiến tạo tương lai, đường dài chung sức” tổ chức ở Bình Định. Ảnh: BẢO LÂM |
Bên cạnh bộ phim của đạo diễn Victor Vũ, Phú Yên cũng mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đoàn làm phim chọn bối cảnh quay tại Phú Yên như các phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt của đạo diễn Trần Bửu Lộc phát sóng năm 2018; Ngày ấy mình đã yêu của đạo diễn Khải Anh phát sóng năm 2018; Tình yêu và tham vọng của đạo diễn Vy Kiến Huy phát sóng năm 2020…
Hầu hết những bộ phim này đều chọn cảnh quay đẹp, đặc sắc của Phú Yên để làm bối cảnh như: Gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện, vịnh Vũng Rô, Gành Đèn, thác H’Ly, Gành Ông - Bãi Xép, Hòn Yến, cầu gỗ Ông Cọp, thủy điện Sông Hinh…
Công chúng đang chờ đón một bộ phim truyện mới cũng chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do Trịnh Đình Minh Vũ đạo diễn, dự kiến sẽ ra mắt ngày 1/11 tới đây, đó là phim truyện Ngày xưa có một chuyện tình, hầu hết bối cảnh đều quay ở Phú Yên.
Cuối năm 2023, Phú Yên tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) tổ chức chương trình Điện ảnh với Phú Yên, giới thiệu những bối cảnh độc đáo cho các nhà làm phim. Đồng thời cam kết hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính, an ninh, an toàn cho đoàn làm phim trong quá trình sản xuất, hỗ trợ cán bộ có chuyên môn tư vấn, lựa chọn bối cảnh, hỗ trợ phương tiện vận chuyển, xã hội hóa hỗ trợ kinh phí, địa điểm lưu trú, dịch vụ... cho đoàn làm phim.
Nhờ thế, năm 2023, VFDA đã công bố Bộ chỉ số hấp dẫn các nhà làm phim PAI (dựa trên 5 tiêu chí, gồm: hạ tầng sẵn có, hỗ trợ thủ tục pháp lý, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thông tin và hỗ trợ thực địa), thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố và Phú Yên là tỉnh dẫn đầu.
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA cho biết: “Từ mô hình thí điểm PAI tại Phú Yên, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã hưởng ứng tham gia, tự giới thiệu và đánh giá mức độ sẵn sàng với các dự án phim đến địa phương mình. Đây là lời mời đáng giá nhất của mỗi địa phương gửi đến các nhà làm phim, các hãng phim Việt Nam và quốc tế, cuốn hút họ chọn quay phim tại các vùng miền trên đất nước Việt Nam”.
Đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định và Quảng Ngãi
Tiếp nối thành công của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất, từ ngày 2-6/7/2024, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với VFDA tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 (DANAFF II).
Đây không chỉ là dịp để lựa chọn và vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, nhân văn, có khám phá mới mẻ, nghệ thuật thể hiện độc đáo, khích lệ tài năng các đạo diễn, giới thiệu rộng rãi đến công chúng những tác phẩm điện ảnh mới, có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật của các nền điện ảnh Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà DANAFF II còn rất nhiều hoạt động bên lề để quảng bá vùng đất và con người đôi bờ sông Hàn.
Phúc và Miền bị mắc mưa, một phân cảnh trong phim điện ảnh “Ngày xưa có một chuyện tình” được quay ở suối Hàn, xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa. Ảnh: LÊ MINH |
Ngoài lễ khai mạc, bế mạc trao giải, chương trình chiếu phim tại các rạp và chiếu phim ngoài trời với hàng trăm suất chiếu, DANAFF II còn có các chương trình: Gặp gỡ, trò chuyện giữa khán giả với đoàn làm phim; giao lưu nghệ sĩ nổi tiếng với khán giả; các hội thảo và tọa đàm, hợp tác sản xuất phim - kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển cho Việt Nam; các workshop “Ươm mầm tài năng” DANAFF dành cho các bạn trẻ yêu thích diễn xuất và muốn trở thành diễn viên chuyên nghiệp…
Riêng TP Nha Trang (Khánh Hòa), từ sau năm 1975, nơi đây đã là một “đại phim trường” cho nhiều phim truyện đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam như: Tự thú trước bình minh (1979) của đạo diễn, NSND Phạm Kỳ Nam, là bộ phim đầu tiên được quay hầu như toàn bộ tại Nha Trang; Về nơi gió cát (1981) của đạo diễn, NSND Huy Thành, Giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI (1983); Bãi biển đời người (1983) của đạo diễn, NSND Hải Ninh…
Những năm gần đây, Nha Trang được Hội Điện ảnh Việt Nam chọn là nơi đăng cai để trao giải Cánh diều vàng. Đây là giải thưởng thường niên vinh danh các tác giả, nghệ sĩ, nhà làm phim và tác phẩm xuất sắc thuộc các thể loại phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim ngắn và công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.
Giải Cánh diều vàng năm 2024 diễn ra tại Nha Trang đã đón nhận 163 tác phẩm tranh giải, với 18 phim điện ảnh, 18 phim truyền hình, 41 phim tài liệu, 18 phim khoa học, 14 phim hoạt hình, 50 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình. Tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam chuẩn bị chu đáo cho sự kiện này và tham vọng biến Nha Trang trở thành thành phố điện ảnh đầu tiên tại Việt Nam, hướng tới quy mô như các thành phố điện ảnh Busan, Thượng Hải, Tokyo…
Cách đây chưa lâu, tỉnh Bình Định lần đầu tiên tổ chức hội thảo “Du lịch, điện ảnh và thể thao - Kiến tạo tương lai, đường dài chung bước” cũng không ngoài mục đích tiếp tục quảng bá hình ảnh quê hương, con người Bình Định với nhiều nét đặc thù qua điện ảnh. Nhiều nhà làm phim cho rằng, Bình Định có nhiều thế mạnh về lịch sử, võ thuật…
Nếu Chính phủ có các chính sách hỗ trợ giúp các đoàn làm phim giải quyết những khó khăn trong sản xuất phim hiện nay như: thủ tục hành chính, sự hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đối ứng ngân sách, đối ứng vốn… thì chắc chắn thời gian tới, Bình Định sẽ là một đại phim trường về dòng phim lịch sử và võ thuật.
Bình Định cũng chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động hơn trong hỗ trợ các đoàn làm phim, có cơ chế để phối hợp, hỗ trợ các đoàn làm phim, giải quyết các điểm nghẽn trong đầu tư công và xúc tiến thành lập quỹ xã hội hóa sản xuất phim để có nhiều đoàn làm phim đến với Bình Định thời gian tới.
Tại Quảng Ngãi, tỉnh này cũng đang xúc tiến phối hợp với VFDA tổ chức hội thảo “Cống hiến của điện ảnh Khu 5 trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam và cơ hội phát triển điện ảnh Nam Trung Bộ” vào năm 2025. Đây không chỉ là sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), thực hiện Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), mà còn là dịp cả nước tôn vinh những đóng góp, hy sinh của một thế hệ đạo diễn, nhà quay phim, biên kịch, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, những người làm công tác hậu kỳ, phát hành phim và chiếu bóng trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn và hiểm nguy trong chống Mỹ. Đội ngũ này đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ban Tuyên huấn Khu 5, đã trở thành sức mạnh và niềm tự hào của những người làm điện ảnh Khu 5.
Từ mô hình thí điểm PAI tại Phú Yên, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã hưởng ứng tham gia, tự giới thiệu và đánh giá mức độ sẵn sàng với các dự án phim đến địa phương mình. Đây là lời mời đáng giá nhất của mỗi địa phương gửi đến các nhà làm phim, các hãng phim Việt Nam và quốc tế, cuốn hút họ chọn quay phim tại các vùng miền trên đất nước Việt Nam.
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA |
TRẦN THANH HƯNG