Dù đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng hằng ngày ông vẫn rong ruổi cầm máy đi chụp ảnh khắp đó đây. Trong suốt gần 40 năm qua, ông say mê kể cho mọi người câu chuyện về Phú Yên bằng những khoảnh khắc đẹp ghi lại qua ống kính.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân và tác phẩm của ông. Ảnh: YÊN LAN |
Ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Dương Thanh Xuân, hội viên Hội NSNA Việt Nam, hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (FIAP), hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên…
Ân tình với quê hương
Những ngày tháng 7, khi Phú Yên rộn rã trong không khí kỷ niệm 35 năm tái lập tỉnh, không chỉ những người đứng tuổi, mà cả người trẻ cũng bồi hồi xúc động khi xem những bức ảnh nhuốm màu thời gian Phú Yên ngày ấy - bây giờ của NSNA Dương Thanh Xuân đăng trên Báo Phú Yên.
Những bức ảnh của ông đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc khi cảnh xưa cũ và hôm nay được ghi lại cùng một địa điểm, cùng một góc máy nhưng thời gian lùi xa đến mấy mươi năm. Những bức ảnh ấy khiến người ta như chạm vào ký ức, hoài niệm về thời gian đầu tái lập tỉnh với các khu dân cư thưa thớt, đường sá chật hẹp, những ngôi nhà nhỏ bé bình dị trong phố thị, những mái tôn che tạm trên bãi cát của những người vừa từ Nha Trang chuyển về…
Để rồi sau hơn 3 thập kỷ, người ta nhìn thấy sự chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ của Tuy Hòa từ một thị xã nhỏ bé, lạc hậu lên thành phố trẻ năng động, hiện đại với các công trình, tòa nhà cao tầng, các khu đô thị sầm uất, khang trang bên đại lộ thênh thang trong lòng thành phố… Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, NSNA Dương Thanh Xuân kể về hành trình đổi thay của Phú Yên bằng một tình yêu dung dị với trải nghiệm về những con đường, góc phố ông đã đi qua.
Bà Lê Thị Anh ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) xúc động: “Khi xem những bức ảnh chụp về Phú Yên mấy mươi năm trước, mới thấy tâm huyết, công sức bao thế hệ đã chung tay gây dựng nên Phú Yên mang hình hài, vóc dáng hôm nay. Tôi dường như thấy lại thời thanh xuân của mình những năm tháng ấy…”.
Cầu Lò Gốm (xã An Thạch, huyện Tuy An) năm 1988. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Sự thay đổi của cầu Lò Gốm sau 36 năm. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Nói về kho ảnh quý gìn giữ mấy mươi năm qua, NSNA Dương Thanh Xuân khoe, ông đang ấp ủ cho dự án triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc thay đổi Phú Yên giữa xưa và nay cho thấy sự vận động, phát triển không ngừng của quê hương. Thực hiện bộ ảnh này cũng chính là cách ông cảm ơn cuộc đời, cảm ơn ân tình quê hương đã dành cho mình.
20 năm trong nghề báo, là phóng viên ảnh, bước chân NSNA Dương Thanh Xuân in dấu khắp nẻo đường đất nước. Ông hạnh phúc khi đặt chân đến đỉnh cao Phanxipăng và xuống tàu ngầm ở Cam Ranh; đi đủ 4 điểm cực Đông - Tây - Nam - Bắc của Tổ quốc để ghi lại những hình ảnh tươi đẹp từ Lũng Cú (Hà Giang), cột cờ tại mũi Cà Mau, Điện Biên Phủ và ngã ba Đông Dương (Bờ Y, Kon Tum); đảo Tiên Nữ (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa)...
Những ngày là phóng viên ảnh Báo Phú Yên, hầu như những sự kiện lớn, nhỏ của tỉnh, từ các nguyên thủ quốc gia về thăm tỉnh nhà, cho đến các kỳ đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, huyện hay khi thiên tai bão lũ xảy ra... đều có sự xuất hiện của nhà báo Dương Thanh Xuân. Vừa là nghệ sĩ, vừa là nhà báo, nguyên là giáo viên dạy Văn, vì vậy những bức ảnh của ông không chỉ đầy ắp thông tin, mà còn dạt dào cảm xúc. Ảnh báo chí của ông có sức hấp dẫn riêng.
NSNA Dương Thanh Xuân nói: “Nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng và khoảnh khắc. Vì vậy, NSNA cần phải bắt đúng khoảnh khắc vàng để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất trong cuộc sống. Điều giá trị của lịch sử là không lặp lại, nếu có lặp lại cũng khác nhau, vì cuộc sống thay đổi từng ngày”.
Còn nhớ trận lũ kinh hoàng năm 2009 ở xã An Định (huyện Tuy An), ông là nhà báo duy nhất chụp được những bức ảnh bộ đội cứu dân trong lũ dữ. Đó là khoảnh khắc bộ đội leo lên mái nhà, dỡ ngói để đưa các em bé, cụ già đến vùng an toàn. Những bức ảnh ấy đã lay động hàng triệu trái tim. Cụm ảnh “Cứu dân trong bão lũ” của Dương Thanh Xuân đã đoạt giải nhất cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc vàng lần thứ 3” do TTXVN và Hội NSNA Việt Nam phối hợp tổ chức (năm 2010). Và cũng năm ấy, một trong chùm tác phẩm ảnh này của ông đoạt giải C - Giải ảnh báo chí quốc gia lần thứ IV. Cũng đề tài bão lũ, năm 2016, ông cùng nhóm phóng viên Báo Tuổi Trẻ và Báo Phú Yên đã đoạt giải B - Giải báo chí quốc gia với tác phẩm “Thà cô chết chứ không để trò chết” ở Trường mầm non An Hiệp (huyện Tuy An).
Bằng niềm đam mê sáng tạo không ngừng, NSNA Dương Thanh Xuân đã ghi dấu ấn cá nhân với nhiều tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Ông chính là người đầu tiên đưa vẻ đẹp nguyên sơ, độc đáo của gành Đá Đĩa lên Báo Phú Khánh (1986) để rồi danh thắng này trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến Phú Yên. Ông cũng chính là người đã góp sức cùng đạo diễn Victor Vũ rong ruổi hàng tháng trời lựa chọn hình ảnh đẹp cho bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khiến khán giả sững sờ trước cảnh sắc làng quê Phú Yên thơ mộng, thanh bình.
Hạnh phúc khi được cống hiến
NSNA Dương Thanh Xuân nói: “Ngày còn làm báo, tôi may mắn được đi nhiều, tác nghiệp nhiều sự kiện. Nhờ bám sát thời sự địa phương và quản lý tốt ảnh tư liệu, giờ đây tôi có một “gia tài” kha khá với nhiều bức ảnh giá trị”. Hiện tại, ông còn lưu giữ khá nhiều ảnh tư liệu các sở, ngành, địa phương. Bây giờ, hễ đơn vị nào cần hình ảnh của ngành nhiều năm trước đó, chỉ cần liên lạc với ông là có ngay ảnh tư liệu quý.
Chùa Hồ Sơn (phường 5, TP Tuy Hòa) năm 2000. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Công viên Hồ điều hòa Hồ Sơn (phường 5, TP Tuy Hòa) năm 2024. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
“Sau khi về hưu, không còn điều kiện “theo” thời sự như hồi làm báo, bù lại, tôi có thời gian đầu tư chuyên sâu, chăm chút hơn cho tác phẩm của mình”, ông chia sẻ. Giờ đây, các sở, ngành thường đặt hàng ông chụp các danh thắng thiên nhiên Phú Yên để làm quà tặng cũng như giới thiệu cho đối tác về tiềm năng du lịch của quê hương. NSNA Dương Thanh Xuân vui vì thông qua những bức ảnh này, ông đã góp phần nối nhịp cầu cho du khách trong và ngoài nước đến với Phú Yên.
Năm nay, NSNA Dương Thanh Xuân bước sang tuổi 65. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông sau khi nghỉ hưu về nhà vui vầy bên con cháu, còn ông vẫn mải miết với niềm đam mê nhiếp ảnh cháy bỏng. Mỗi sớm mỗi chiều, người ta vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng ông rong ruổi trên đường để chụp lại những hình ảnh đẹp về phong cảnh, con người, non nước Phú Yên. Khi thì một sớm mai bình yên trên dòng Ngân Sơn thơ mộng hay ánh chiều tà buông xuống bên tháp Nhạn, dòng sông Ba mùa nước cạn, buổi sáng trên biển Xuân Hải…
Hơn 1 năm trước, ông trải qua cơn bạo bệnh. Ông nói, cảm ơn cuộc đời, cảm ơn ân tình của bạn bè, đồng nghiệp và những duyên may trong cuộc sống mà ông vượt qua bệnh tật, phục hồi sức khỏe. Với ông, giờ đây không gì hạnh phúc bằng khi được cống hiến sáng tạo nghệ thuật, tiếp tục kể những câu chuyện đẹp, nhân văn, thi vị của xứ hoa vàng cỏ xanh qua ống kính của mình.
NSNA Dương Thanh Xuân đoạt giải A cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế Sagamihara tổ chức ở Nhật Bản; giải đặc biệt cuộc thi ảnh 100 điểm đến thú vị của Báo Tuổi Trẻ; giải C Giải báo chí quốc gia; giải nhất cuộc thi ảnh Khoảnh khắc vàng do TTXVN và Hội NSNA Việt Nam tổ chức; 4 lần liên tiếp đoạt giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên, chuyên ngành Nhiếp ảnh; HCĐ cuộc thi ảnh Tổ quốc bên bờ sóng do Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội NSNA Việt Nam tổ chức. Năm 2014, ông vinh dự được Hội NSNA Việt Nam trao tước hiệu Es.VAPA - tước hiệu dành cho NSNA có cống hiến xuất sắc... |
NGỌC DUNG