Thứ Hai, 25/11/2024 08:27 SA
Khi người lớn bước chân vào thế giới trẻ thơ
Chủ Nhật, 16/06/2024 10:08 SA

Một số tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam và thế giới. Ảnh: VIỆT AN

Văn học thiếu nhi đối với trẻ em được khẳng định như là một phương tiện, một công cụ để giáo dục tình cảm, đạo đức, thẩm mỹ, giải trí và nhận thức là điều dường như không cần tranh cãi.

 

Ở một phương diện ít được chú ý hơn, nhưng rõ ràng cũng quan trọng không kém về vai trò của mảng văn học này trong đời sống tinh thần nói chung, đó là văn học thiếu nhi có một vị trí đáng kể đối với người đọc là người lớn. Vậy tại sao người lớn vẫn đọc/thích đọc văn học thiếu nhi? Câu trả lời có thể phức tạp và thú vị hơn chúng ta thường nghĩ.

 

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”

 

Rất nhiều nhà văn bắt đầu viết cho trẻ em dưới sự thôi thúc của ký ức tuổi thơ. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, tuổi thơ khi được nhìn lại, dẫu buồn hay vui đều trở thành khoảng trời ký ức đẹp đẽ. Viết về ký ức tuổi thơ, có thể là con đường để được trở lại, sống lại một lần nữa những ngày thơ bé, để cất gánh nặng tuổi tác trên vai, để lưu giữ và trao truyền ký ức cho mình và cho thế hệ mai sau… Tâm lý học sáng tạo có thể soi sáng nguồn gốc của việc viết về ký ức tuổi thơ từ những khía cạnh như thế.

 

Từ góc độ tâm lý học tiếp nhận, việc người đọc lớn tuổi tìm đến văn học thiếu nhi cũng được xem như là cách thức để họ được làm trẻ em một lần nữa. Nhà nghiên cứu văn học trẻ em Kimberly Reynolds trong cuốn Nhập môn Văn học trẻ em cho rằng: “Vì tất cả người lớn đều từng là trẻ em và sách dành cho trẻ em nhắm đến độc giả trẻ em và thường chứa đựng những hình ảnh về thời thơ ấu, nên ở cấp độ cá nhân, chúng có khả năng tái - gắn kết người lớn với những đứa trẻ mà họ từng trải qua trong quá khứ” (tr.56).

 

Quả thật, khi đọc những tác phẩm dành cho lứa tuổi học trò của Nguyễn Nhật Ánh, tiêu biểu như bộ Kính vạn hoa, người đọc cùng thế hệ với nhà văn có dịp được sống lại những năm tháng tuổi thơ của mình bởi sự tương đồng về mặt thời đại, bối cảnh được tái hiện trong tác phẩm. Người đọc thích thú, trước hết là thấy sự gần gũi với ký ức của chính mình và như thể nhà văn đang kể thay mình về ký ức của mình vậy.

 

Do đó, việc nhìn thấy tuổi thơ của mình trong những sáng tác dành cho thiếu nhi có thể mang đến những xúc cảm đặc biệt cho người đọc lớn tuổi và khiến họ thích thú việc đọc văn học thiếu nhi hơn. Đọc khi đó, là hành trình tìm lại và gặp lại một đứa trẻ mà mình từng là trong quá khứ.

 

Có một đứa trẻ bên trong mỗi người

 

Ở một phương diện nào đó, dường như trong mỗi người luôn có một đứa trẻ ẩn tàng. Sự tò mò là một biểu hiện. Sự ngạc nhiên trước những điều mới lạ cũng vậy. Những niềm vui thuần khiết, không mang màu sắc thực dụng vẫn có thể tìm thấy ngay cả ở những người đã trải qua nhiều dâu bể. Và đứa trẻ ẩn tàng đó là sợi dây kết nối người đọc lớn tuổi với văn học thiếu nhi một cách bền chặt nhất. Khi đó, đọc là một hành trình được làm một đứa trẻ hồn nhiên, trong trẻo khi đắm mình vào thế giới của trẻ thơ. Thế nên, người đọc lớn tuổi khi đến với văn học thiếu nhi ở phương diện này, cũng là một nhu cầu tự thân, cho mình và vì mình.

 

Những quyển sách thiếu nhi nổi tiếng toàn cầu, như Chuyện phiêu lưu của Mít đặc và các bạn (Nikolay Nosov), Pippi Tất dài (Astrid Lindgren), Nhóc Nicolas (René Goscinny)…, hay những truyện thiếu nhi của Việt Nam như Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Làm mèo (Trần Đức Tiến), Chuyện Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm (Cao Khải An)… không chỉ thu hút độc giả nhỏ tuổi mà còn hấp dẫn người đọc lớn tuổi. Bởi lẽ, một cốt truyện gay cấn, những tình huống bất ngờ, hài hước chưa bao giờ ngừng làm độc giả thích thú, ngay cả khi nó là câu chuyện của trẻ con. Đó là tâm lý tự nhiên của bất kỳ ai, dù là người lớn hay trẻ em.

 

Khi bước chân vào thế giới trẻ thơ trong văn học thiếu nhi, người lớn dường như thấy được trẻ lại. Khi được buồn vui cùng những vui buồn của trẻ em qua từng trang sách, người lớn dường như cũng được “thanh lọc” tâm hồn, được trong trẻo hơn, thuần khiết hơn và dịu dàng hơn. Năng lực bồi đắp tâm hồn, dưỡng nuôi một đứa trẻ của văn học thiếu nhi không chỉ có tác dụng với trẻ em, mà còn lặng lẽ gạn bớt đi những chai sạn, sần sùi trong tâm hồn của những người đọc đã qua tuổi thiếu nhi.

 

Để thấu hiểu và yêu thương trẻ thơ

 

Dù rằng ai cũng đã từng là một đứa trẻ, ai cũng có một đứa trẻ trong mình, nhưng khoảng cách thế hệ vẫn dễ khiến con người quên cách mà một đứa trẻ nghĩ và làm. Bên cạnh đọc những tài liệu nghiên cứu tâm lý học, thì việc tìm đến văn học như là một phương tiện giúp họ hiểu trẻ thơ hơn cũng là cách rất khả dĩ và hiệu quả.

 

Chẳng hạn như, khi đọc Cây cam ngọt của tôi (José Mauro de Vasconcelos), người đọc không chỉ được nhìn vào cuộc sống của một cậu bé nhà nghèo ở một thành phố tận đất nước Brazil xa xôi, mà quan trọng hơn hết, họ được nhìn sâu vào đời sống tinh thần của một đứa trẻ.

 

Cậu bé Zézé nghịch ngợm, trong mắt người lớn thật bất trị, nhưng thực ra lại là đứa trẻ giàu trí tưởng tượng, khát khao được yêu thương, giàu lòng trắc ẩn. Biến cố lớn nhất trong đời là khi mất đi người bạn thân thiết đã cho thấy một đứa trẻ có thể từ giã tuổi thơ như thế nào, và điều đó đáng buồn biết bao.

 

Cây cam ngọt của tôi là quyển sách cho trẻ em, nhưng cơn sốt của nó tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, có lẽ vì nó đã chạm được xúc cảm của những người đọc lớn tuổi - những người mà khi đọc xong sẽ hiểu và yêu trẻ hơn, trở nên dịu dàng hơn với mọi đứa trẻ, ngay cả khi nó ngỗ nghịch đến chừng nào.

 

Không những vậy, khi nhìn vào thế giới trẻ thơ được kiến tạo trong tác phẩm, những người đọc lớn tuổi còn bị sự ngây thơ, hồn nhiên của những đứa trẻ làm cho “mềm lòng” và thêm phần yêu mến chúng. Từ tâm thế của một người trưởng thành, trẻ em là một đối tượng “gây thương nhớ” khó cưỡng lại.

 

Tình yêu dành cho trẻ sẽ khiến cho người lớn muốn bước vào thế giới của chúng, và ngược lại, chính thế giới trẻ thơ cũng sẽ làm cho những đứa trẻ trong họ trở nên trong trẻo hơn. Tác động của văn học thiếu nhi lên người đọc lớn tuổi ở khía cạnh này, là góp phần bồi đắp tâm hồn theo cách mà chính người đọc không thể hình dung được.

 

Đọc để trở thành một người thầy

 

Một trong những lý do thúc đẩy người lớn đọc văn học thiếu nhi là khả năng giáo dục của văn học thiếu nhi. Khi văn học trở thành một phương tiện giáo dục hiệu quả, nhất là với trẻ em, thì phụ huynh, nhà giáo dục, hay người lớn nói chung sẽ đọc để khai thác chức năng mang tính đặc trưng này của văn học thiếu nhi. Người đọc lớn tuổi tìm đến văn học thiếu nhi để biết cách trở thành một người thầy cho trẻ em. 

 

Có thể nói một cách giản đơn rằng, khi người lớn bước chân vào thế giới trẻ thơ, họ sẽ có cơ hội được trở thành một đứa trẻ lần nữa, lẫn trở thành một người lớn trong phiên bản tốt hơn. Đó chính là sự diệu kỳ của thiếu nhi và văn học thiếu nhi mang đến cho cuộc sống này.

  

Chức năng giáo dục trong văn học thiếu nhi được thể hiện trên nhiều phương diện. Người lớn có thể giúp các em thiếu nhi các vùng miền khác hiểu hơn về đất rừng phương Nam qua quyển sách Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi). Để giáo dục các em về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, có thể đọc cho các em quyển sách Tôi đi học (Nguyễn Ngọc Ký).

 

Để bồi đắp cho các em tình yêu với ngôn ngữ và âm nhạc, có thể cùng đọc thơ với các em… Từ giáo dục trí tuệ cho đến giáo dục nhân cách, tâm hồn hay thẩm mỹ, văn học thiếu nhi cũng cho thấy sự vô song của nó trong địa hạt này. Thế nên đọc văn học thiếu nhi chính là một lựa chọn mang tính sư phạm của những người lớn trách nhiệm và tinh tế trong việc chăm sóc thế giới tâm hồn của những đứa trẻ.

 

Sức sống của văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng không chỉ được tạo nên bởi lực lượng sáng tác mà còn phụ thuộc rất nhiều vào người đọc. Song trong khi văn học dành cho người lớn bị giới hạn bởi độ tuổi (cùng với đó là các đặc điểm tâm sinh lý) của người đọc thì văn học thiếu nhi mở ra một không gian rộng lớn cho tất cả đối tượng.

 

Trẻ em đọc văn học thiếu nhi và nhận được những “món quà” mà việc đọc mang lại. Người lớn cũng vậy, họ sẽ tìm đến và bước chân vào thế giới của trẻ thơ dưới sự thôi thúc của những nhu cầu khác nhau. Nhưng có thể nói một cách giản đơn rằng, khi người lớn bước chân vào thế giới trẻ thơ, họ sẽ có cơ hội được trở thành một đứa trẻ lần nữa, lẫn trở thành một người lớn trong phiên bản tốt hơn. Đó chính là sự diệu kỳ của thiếu nhi và văn học thiếu nhi mang đến cho cuộc sống này.

 

VÕ NGUYỄN BÍCH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek