Thứ Sáu, 11/10/2024 17:54 CH
Những gia đình nghệ sĩ chân quê
Thứ Ba, 11/06/2024 15:00 CH

Bà Sen (thứ hai từ trái sang) cùng con và các thành viên CLB Nghệ thuật tuồng 10/5 tập tuồng trước sân nhà. Ảnh: HIẾU VY

Hằng ngày miệt mài với công việc đồng áng, buôn thúng bán bưng nhưng tâm hồn nghệ sĩ, tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống vẫn luôn cháy bỏng trong mỗi thành viên của gia đình họ.

 

Mỗi khi địa phương tổ chức hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, họ gác công việc nhà, trở thành những diễn viên nghiệp dư tràn đầy năng lượng tự tin bước lên sân khấu.

 

Sen tuồng

 

Về xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa hỏi gia đình bà Đào Thị Thu Sen hầu như ai cũng biết. Nhiều người gọi bà là Sen tuồng. Ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa cánh đồng thôn Đồng Lãnh của gia đình bà cũng là điểm hẹn của những người yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống này.

 

Cứ độ một tuần hoặc mười ngày, nửa tháng, người ta lại nghe từ đây cất lên những câu nói lối, hát nam, hát tẩu, hát khách… đặc trưng của tuồng bởi những nghệ sĩ chân đất. Đích thực là những nông dân ban ngày miệt mài trên đồng ruộng, hay tất bật với công việc chợ búa mưu sinh nhưng tối đến, chỉ cần một khoảng sân rộng, họ trở thành những công chúa, hoàng hậu, quân vương… trong những trích đoạn tuồng.

 

Bà Sen chính là linh hồn của họ. Năm nay đã 65 tuổi nhưng bà vẫn giữ lửa đam mê với nghệ thuật tuồng, thông thạo các tích tuồng và nhiều vai diễn xướng. Niềm đam mê tuồng như đã ngấm vào máu, vào tâm hồn bà. “Cha tôi khi còn trẻ là một kép hát tuồng nổi tiếng của Bình Định và từng đứng ra thành lập gánh hát bội (tức hát tuồng) trước năm 1975”, bà Sen cho biết.

 

Bà học hát và diễn tuồng từ người cha khi còn là một cô bé chưa biết lo, chưa biết nghĩ. Hơn 50 năm qua, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, hằng ngày phải vất vả với công việc đồng áng, chăm lo, vun vén hạnh phúc gia đình với những 10 thành viên nhưng bà vẫn gắn bó với nghệ thuật tuồng bằng mọi cách.

 

Từ khi huyện Phú Hòa và CLB Nghệ thuật tuồng truyền thống 10/5 được thành lập, bà Sen là thành viên nòng cốt của CLB từ đó cho đến nay và thường đảm nhiệm các vai đào chính trong những vở tuồng cổ: Nguyệt cô hóa cáo, Tam Hạ Nam Đường, Ngũ Hổ bình Tây, Mộc Quế Anh... “Nhiều khi cuộc sống, kinh tế gia đình gặp khó khăn, đã có lúc chúng tôi nghĩ đến bỏ tuồng, nhưng lâu ngày không được bước lên sân khấu cảm thấy như mất mát một cái gì đó mà không thể diễn tả được”, bà Sen trải lòng.

 

Ông Nguyễn Công Chánh, chồng bà Sen chia sẻ: “Hồi còn thanh niên tui mê cô đào này hát tuồng rồi thành vợ chồng. Về chung sống với nhau, chính cổ dạy tôi hát, diễn tuồng và truyền nghề này cho con cháu. Vợ chồng tôi yêu nhau, lấy nhau có đến 8 mặt con cũng nhờ tuồng nên không bao giờ chúng tôi phụ nghĩa với tuồng. Gánh hát nào gọi đi hát án, hát lăng tôi đều chở vợ đi vì cổ không biết đi xe”.

 

Gia đình bà Sen hiện có 3 thành viên là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chuyên ngành Sân khấu, cũng là thành viên của CLB Nghệ thuật tuồng 10/5 của huyện Phú Hòa, là vợ chồng bà và cậu con trai út Nguyễn Công Hậu.

 

Được mẹ truyền nghề từ khi còn là học sinh phổ thông, lớn lên Hậu đi làm ở nhiều nơi như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng… nhưng vì nhớ tuồng nên lại quay về Đồng Lãnh. Hoạt động và thành tích của CLB Nghệ thuật tuồng 10/5 trong thời gian qua, trong đó có HCV toàn đoàn, 1 HCV và 1 HCB cá nhân hội diễn Nghệ thuật tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 tại Bình Định có sự đóng góp của nghệ sĩ trẻ chân quê này. Hậu bộc bạch: “Công việc hằng ngày là chính, còn hát tuồng là niềm đam mê. Những ngày đi làm ở xa quê, tôi luôn đau đáu về ánh đèn sân khấu, nhớ những đêm được cùng cha mẹ và mọi người trong CLB cùng biểu diễn tuồng”.

 

Hứa bài chòi, Ẩn dân ca…

 

Ở làng biển Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa có gia đình chị Hứa Thị Gửi say mê nghệ thuật bài chòi. Chị Gửi hiện là Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca phường 5 (TP Tuy Hòa); chồng chị, anh Nguyễn Trọng Thành, là nhạc công; hai cô con gái (Lệ Phương và Hà Đan) là những giọng ca mà ai nghe cũng thích.

 

Chị Hứa Thị Gửi và anh Phùng Long Ẩn cùng hô hiệu bài chòi. Ảnh: HIẾU VY

 

Đây cũng là gia đình có nhiều thành viên là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chuyên ngành Sân khấu nhất. Chị Gửi chia sẻ: “Tôi mê những làn điệu dân ca, bài chòi từ khi còn bé xíu. Vợ chồng tôi nên duyên cầm sắc cũng bởi tiếng đàn, lời ca hòa quyện với nhau. Các con của chúng tôi theo mẹ cha đi hát từ nhỏ, thừa hưởng gen di truyền nên đứa nào cũng say mê với nghệ thuật bài chòi, cải lương”.

 

Còn anh Nguyễn Trọng Thành bộc bạch: “Nói thật lòng, vì niềm đam mê nên gia đình tôi từ vợ chồng đến các con đều phải vất vả mưu sinh để cố níu giữ loại hình nghệ thuật bài chòi và những làn điệu dân ca, đờn ca tài tử. Rất mừng là gần đây nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng tôi tự hào về điều này vì đã cùng đóng góp một phần rất nhỏ để lan tỏa đến lớp trẻ tình yêu đối với nét đẹp, nét tinh túy của những bộ môn nghệ thuật rất độc đáo mà cha ông ta để lại; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 

 

Không chỉ gia đình bà Sen, chị Gửi, anh Ẩn, nhiều gia đình nghệ sĩ chân quê khác cũng lấy công việc hằng ngày để giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc như: Nguyễn Đình Thoảng, khu phố Phú Thọ, phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa; Phan Thanh Kính, thôn Mỹ Thạnh Trung, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa; Nguyễn Trọng Tích, xã An Phú, TP Tuy Hòa… 

 

Gia đình anh Phùng Long Ẩn ở thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) cũng vậy. Cùng với nuôi vịt đồng, nuôi cá trê là công việc chính, anh cùng vợ và các con luôn lấy tiếng đàn, lời ca, những làn điệu xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hò quảng, nam ai… làm người bạn đồng hành trong cuộc sống. Vì vậy, cuộc sống dù còn vất vả nhưng gia đình luôn đầy ắp thanh âm, giai điệu ngọt ngào.

 

Là Chủ nhiệm CLB Bài chòi (Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ thiểu số các dân tộc tỉnh), anh Phùng Long Ẩn phải phân phối quỹ thời gian sao cho hợp lý để vừa đảm bảo công việc, có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, vừa duy trì hoạt động của CLB, đem lời ca tiếng hát và trò chơi dân gian này đến với người dân địa phương, nhất là vào những dịp lễ hội.

 

Mỗi khi CLB tổ chức hội bài chòi, anh và con gái luân phiên hô hiệu còn vợ anh làm nhiệm vụ chạy thẻ bài. Niềm đam mê nghệ thuật của gia đình anh đã lan tỏa đến hàng xóm láng giềng gần xa, nhiều người tham gia CLB. Mỗi đêm CLB tổ chức hội bài chòi, chia đều ra mỗi người chỉ đủ tiền ăn tối và đổ xăng, vậy mà ai cũng vui vẻ.

 

“Bài chòi, dân ca Khu 5 và đờn ca tài tử đã thấm sâu vào máu, vào tim gan nên tôi không thể bỏ. Vợ và các con tôi cũng đam mê các loại hình nghệ thuật truyền thống này của dân tộc nên chung tay gìn giữ, coi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu. Ban ngày lao động vất vả, ban đêm được ca hát phục vụ mọi người, tôi thấy mình trẻ lại, yêu cuộc sống này hơn”, anh Phùng Long Ẩn thổ lộ.

 

HIẾU VY

 
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek