Tọa lạc tại khu phố Định Thắng 1, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), lẫm An Nghiệp từ lâu được biết đến là một công trình kiến trúc cổ có niên đại trên 100 năm, nơi lưu giữ những nét văn hóa đậm chất làng quê với phong tục thuần hậu, chất phác.
Lẫm An Nghiệp (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa). Ảnh: NHẬT KIM |
Dòng họ tiền hiền làng An Nghiệp
An Nghiệp là một làng cổ nằm bên bờ tả ngạn sông Ba. Theo lời kể của cụ Nguyễn Anh Thông, một người lớn tuổi của làng nay đã 94 tuổi, dòng họ tiền hiền làng An Nghiệp là họ Nguyễn Kiều đến quy dân lập ấp cách đây hàng trăm năm, sau đó là họ Lê là hậu hiền có công góp sức xây dựng các thiết chế của làng như dựng đình, kiến thiết lẫm, lập chợ. Về sau nhiều dòng họ khác đến tụ cư góp sức khai hoang, ổn định làng xóm.
Theo gia phả của họ Nguyễn Kiều, thì họ này vốn là họ Kiều, ông tổ là Kiều Công Giáp từ Quảng Ngãi đến An Nghiệp lập nghiệp. Đến đời thứ 6 là Kiều Nhiệm mới đổi sang họ Nguyễn (tên là Nguyễn Văn Sỹ để đi thi). Từ đó, họ Kiều mới cải sang họ Nguyễn Kiều, tính đến nay là 14 đời sinh sống tại An Nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Sỹ về sau làm biện lại, rồi hương trưởng của làng, có công lao trong việc lập kho xã thương, góp tiền và lúa để cứu giúp người nghèo được tri huyện Tuy Hòa bẩm báo về triều đình ban thưởng. Năm Tự Đức thứ 7 (1854), triều Nguyễn ban thưởng cho Nguyễn Văn Sỹ hàm Tòng cửu phẩm bá hộ và khen tặng làng An Nghiệp bức hoành phi với 4 chữ vàng “Thiện tục khả phong”. Hiện nay, hai văn bản này đang lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Kiều tại khu phố Định Thắng 1.
Thời Nguyễn Văn Sỹ làm hương trưởng, kho lúa của làng An Nghiệp đã tích trữ được 2.000 hộc, hơn 3.000 quan, hằng năm chu cấp hỗ trợ cho người tham gia quân đội, dân phòng, trang trải mọi chi phí của làng. Vào những năm mất mùa, thu hoạch sút kém thì “lấy quỹ chu cấp cho Nhân dân trong làng khỏi lâm vào cảnh túng quẫn.
Trong làng, trai cũng như gái được cấp mỗi người một vuông lúa, trẻ nít nửa vuông. Nếu chưa đủ thì cho mượn lúa không lấy lãi. Năm trước còn mắc nợ bao nhiêu cũng chờ đến năm được mùa mới trừ dần, hoặc cho đứt số nợ và hủy giấy nợ. Phần nhiều các xã, thôn lân cận hay đến nhờ cậy, vay mượn.
Năm mất mùa thì cho mượn không lấy lãi, người nào thiếu nợ không trả nổi thì cũng không đòi. Lại còn giúp nuôi lính tráng trong làng để họ yên tâm ở trong hàng ngũ, nên gặp khi thiếu lính, dân trong làng giành nhau nhập ngũ, lo việc canh phòng, nên trong làng không có nơi nào trộm cướp xảy ra, đồng thời lấy lễ, nhượng, kiệm, ước làm phương cách đối nhân xử thế trong phong tục ở hương thôn”(1).
Chứng tích trên 100 năm
Trong quá trình lập làng, cộng đồng cư dân nơi đây đã kiến lập lẫm An Nghiệp. Lúc đầu lẫm được xây dựng với vật liệu bằng tre, gỗ, vách đất, mái lợp tranh, có chức năng là nơi chứa lúa của làng. Đến đầu thế kỷ XX, lẫm được trùng tu, xây dựng lại bằng vật liệu xi măng, mái lợp ngói âm dương, bên trong là hệ thống cột, kèo bằng gỗ tốt. Mặt tiền của lẫm được trang trí tỉ mỉ họa tiết hoa lá và các câu đối Hán Nôm.
Phần trên mặt tiền có đính các mảnh sành sứ với 4 chữ Hán: An Nghiệp tự lẫm (lẫm làng An Nghiệp), trên mái là 2 cặp lân. Lúc này lẫm An Nghiệp đã chuyển đổi chức năng không còn là nơi chứa lúa mà thờ phụng Thành hoàng, các vị tiền hiền, hậu hiền của làng. Trong gian điện thờ của lẫm chia làm 3 ban thờ: chính giữa là thờ thần Thành hoàng; bên phải thờ tiền hiền, bên trái thờ hậu hiền. Trước 3 ban thờ là 3 tấm nghi thêu rồng phụng làm gia tăng sự linh thiêng của gian thờ.
Thiện tục khả phong - Bảng khen tặng làng An Nghiệp của vua Tự Đức năm 1854. Ảnh: NHẬT KIM |
Năm 1949, cơn bão lớn làm cho lẫm sập. Sau đó người dân góp tiền và công sức tu sửa, thay mái ngói. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, lẫm An Nghiệp bị ảnh hưởng nên hư hỏng, xuống cấp. Năm 2003, bằng nguồn kinh phí quyên góp trong Nhân dân, lẫm An Nghiệp được trùng tu, tôn tạo khang trang như ngày nay. Mặt tiền của lẫm vẫn được giữ nguyên như lúc đầu xây dựng cách đây trên 100 năm. Vì vậy, nhìn tổng thể lẫm An Nghiệp vẫn giữ được nét cổ kính của một di tích văn hóa lâu đời, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc.
Diện tích của điện thờ lẫm An Nghiệp có chiều dài và rộng đều 9m, nên người dân địa phương thường gọi là lẫm vuông. Mỗi khi tế lễ tại lẫm, người dân thường truyền tụng nhau về công đức của các bậc tiền hiền có công khai hoang lập ấp cho làng được đưa vào thờ phụng tại lẫm, nên lẫm An Nghiệp còn được gọi là nhà tiền hiền.
Với lịch sử trên 100 năm, lẫm An Nghiệp là chứng tích quan trọng trong quá trình khai hoang lập làng của cộng đồng cư dân đồng bằng Tuy Hòa. Dù trải qua bao biến đổi của thời gian, lẫm An Nghiệp vẫn là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương, là nơi dân làng gửi gắm những mong ước vào vị thần phò trợ cho làng, ghi ơn các bậc tiền nhân đã có công tạo lập làng qua các thời kỳ. |
Lẫm An Nghiệp là công trình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cư dân địa phương. Trước năm 1945, việc tế lễ diễn ra 2 lần trong năm gọi là xuân kỳ thu tế. Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, việc tế lễ bị gián đoạn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lẫm An Nghiệp được trưng dụng làm trường học giảng dạy học sinh cấp tiểu học của địa phương. Khi lẫm được trùng tu cho đến nay, việc cúng tế được khôi phục theo nghi thức truyền thống, có đọc chúc văn và tấu nhã nhạc với sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương.
Lễ tế diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng. Lễ vật để dâng cúng Thành hoàng và các bậc tiền hiền, hậu hiền là hương đăng, hoa quả và thịt gà, thịt heo. Việc tế lễ tại lẫm An Nghiệp được ban quản lý lẫm tổ chức, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi việc làm ăn của cư dân trong làng đều thuận lợi, may mắn. Đây cũng là dịp để bà con trong làng gia tăng sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhiều người đi làm ăn nơi xa nhớ ngày tế lễ cũng về tham dự, thắp nén hương tạ ơn Thành hoàng và các bậc tiền, hậu hiền của làng.
Với lịch sử trên 100 năm, lẫm An Nghiệp là chứng tích quan trọng trong quá trình khai hoang lập làng của cộng đồng cư dân đồng bằng Tuy Hòa. Dù trải qua bao biến đổi của thời gian, lẫm An Nghiệp vẫn là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương, là nơi dân làng gửi gắm những mong ước vào vị thần phò trợ cho làng, ghi ơn các bậc tiền nhân đã có công tạo lập làng qua các thời kỳ. Việc cộng đồng cư dân địa phương gìn giữ, tu tạo kiến trúc của lẫm An Nghiệp cũng như duy trì các phong tục, tín ngưỡng của làng qua các thời kỳ, đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
TS ĐÀO NHẬT KIM
--------------------------
(1) Theo nội dung bản tấu của Bộ Lễ trình lên vua Tự Đức ngày 7/7/1854 đề nghị ban thưởng cho Nguyễn Văn Sỹ và làng An Nghiệp.