Các buôn làng của đồng bào dân tộc Ê Đê ở huyện Sơn Hòa và Sông Hinh có tập tục cúng cổng làng. Đây là phong tục lâu đời của người Ê Đê hiện vẫn được gìn giữ.
Như một vị thần linh
Vào những thế kỷ trước, đồng bào Ê Đê chọn 4 gốc tre già lâu năm cao tầm 3,5m, mỗi bên 2 gốc để làm cổng vào làng. Tuy đơn sơ, nhưng đối với họ, đây là nét đẹp văn hóa và họ coi cổng làng như một vị thần linh, ngăn chặn những điều không thiện lành, đón nhận mọi điều may mắn vào buôn làng để họ có cuộc sống an yên.
Khi chọn được những gốc tre vừa ý, họ mời già làng đến làm lễ cúng xin thần linh sơn lâm cho được lấy cây tre này mang về làm cổng làng. Lễ vật cúng gồm rượu ché đựng trong trái bầu khô, 3 vắt cơm, 3 trứng gà luộc, một ít gạo, muối và nước. Sau khi cúng khấn thần linh xong, già làng dùng rựa bổ vào mỗi cây tre 3 nhát để làm phép. Sau đó anh em thợ rừng mới đốn hạ các gốc tre đó.
Theo ông Kpă Y Klét ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), gốc tre đem về nhà được chuốt sạch sẽ. Khi dựng cổng lên, họ làm một lễ cúng gồm 3 ché rượu, 2 con gà cồ nướng, cơm gạo nếp.
Trai trẻ trong làng đều tham gia dựng cổng làng. Dựng cổng làng xong, mọi người cùng quây quần uống rượu ché, thưởng thức gà nướng và cơm nếp, chuyện trò vui vẻ ngắm nhìn cổng làng và kỳ vọng những điều tốt đẹp đến với người dân.
Lưu truyền nhiều đời, gắn kết cộng đồng
Bà con dân tộc Ê Đê sinh sống ở huyện Sơn Hòa và Sông Hinh tổ chức lễ cúng cổng làng vào dịp tết Đoan ngọ, đây là tập tục lâu đời không thể thiếu trong đời sống tinh thần.
“Lễ cúng cổng làng được chủ làng buôn và người có uy tín vận động bà con ở khu dân cư đóng góp vật chất như rượu ché, gà, heo, gạo… để làm lễ vật tế thần linh cổng làng”, già làng Oi Muk ở buôn Kít, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) cho biết.
Con gà rừng vừa cất tiếng gáy báo hiệu một ngày mới là mọi người đến cổng làng để cùng nhau chung lo lễ cúng này. Nữ đi gùi nước, trai tráng đi vác củi, làm sạp đan bằng tre để trưng bày các lễ vật, các già làng thì nhóm bếp lửa cạnh cổng làng để làm nghi thức, mọi người làm việc theo sự phân công của chủ làng, ai nấy vui cười rôm rả.
Ông Ksor Y Nhi ở buôn Quang Dù, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) cho hay: “Lễ vật cúng cổng làng tùy theo sự đóng góp của dân làng, có năm cúng heo, có năm cúng vài ba con gà và nhiều sản vật ở địa phương như sắn, bắp, chuối, đu đủ… nhưng lễ vật không thể thiếu đó là 3 ché rượu, gạo nếp nấu xôi, nước suối ở đầu nguồn”.
Người đứng ra chủ lễ là già làng có uy tín. Sau khi trưng bày các lễ vật, già làng khấn vái tạ ơn thần linh cổng làng trong thời gian qua đã giúp buôn gần, làng xa luôn đoàn kết thuận hòa giúp đỡ lẫn nhau, nhà nào cũng đủ no ba bữa, bò, heo đầy chuồng, con trai con gái lớn lên kết đôi kết bạn, thành vợ thành chồng ở chung một nhà ấm êm đôi lứa, khách xa khách gần cũng đến làng buôn này uống chung ché rượu, cùng tấu chiêng, quây quần bên bếp lửa nhảy múa điệu xoang…
Và chủ lễ khấn cầu với thần linh cổng làng trong thời gian tới luôn độ trì ngăn chặn những cái xấu xa không được vào buôn làng, xua đuổi ra khỏi làng buôn những điều trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc… Họ cũng cầu thần linh cổng làng nối kết với các đấng thần linh mưa gió, đất trời thuận hòa để đồng bào có những mùa bội thu hoa màu, dân làng có cuộc sống sung túc, tình làng nghĩa xóm gắn kết trong đời sống cộng đồng.
Trai trẻ trong làng đều tham gia dựng cổng làng. Dựng cổng làng xong, mọi người cùng quây quần uống rượu ché, thưởng thức gà nướng và cơm nếp, chuyện trò vui vẻ ngắm nhìn cổng làng và kỳ vọng những điều tốt đẹp đến với dân làng. Ông Kpă Y Klét ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) |
Ông Ma Nhương ở thôn Thống Nhất, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Ngày cúng thần cổng làng, mọi người đều nghỉ việc ruộng rẫy, vui chơi suốt cả ngày, uống cạn ché mới”.
Theo ông Ma Thoan, nguyên Chủ tịch UBND xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), dân tộc Ê Đê ở huyện Sơn Hòa và Sông Hinh sinh sống lâu đời ở phía tây đồng bằng Tuy Hòa, có các lễ thức văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Ê Đê, trong đó có tục lệ cúng cổng ra vào làng buôn vào dịp giữa năm chuẩn bị gieo trồng lúa vụ hè thu. Đây là phong tục lâu đời của người Ê Đê vẫn được đồng bào gìn giữ.
TRẦN LÊ KHA