Thứ Hai, 25/11/2024 20:19 CH
Hoa phượng trắng nuôi nấng một hồn thơ
Chủ Nhật, 19/05/2024 09:00 SA

Thi ca có giá trị gì trên cuộc đời? Câu hỏi ấy có lẽ không dành cho kẻ thờ ơ. Với nhiều người may mắn và thực dụng, thi ca hoàn toàn vô nghĩa. Thế nhưng, với nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa, thi ca là tất cả. Thi ca không chỉ cho anh điểm tựa vượt qua những ngày buồn thương mà còn giúp anh có được lương duyên hạnh phúc.

 

Nhà thơ Lê Đình Hòa. Ảnh: LÊ THIẾU NHƠN

 

Trong bóng tối hẩm hiu của số phận, thi ca giống như đôi mắt cho Lê Đình Hòa nhìn thấy cuộc sống ấm áp, mà thi ca cũng giống như lăng kính để những tâm hồn đồng điệu sẻ chia với từng nhịp đập trái tim Lê Đình Hòa!

 

Sinh ra trong gia đình có 6 người con, từ nhỏ Lê Đình Hòa đã có năng khiếu văn chương. Hiền lành, chăm chỉ và học giỏi, Lê Đình Hòa từng là niềm hy vọng của gia đình. Cha anh mất sớm, mẹ anh - bà Huỳnh Thị Lài - một mình làm lụng nuôi các con khôn lớn. Không phụ công mẹ, Lê Đình Hòa trúng tuyển vào Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn. Thế nhưng, dự định trở thành giáo viên của Lê Đình Hòa bị cắt ngang vì một biến cố quái ác.

 

Năm thứ hai ở giảng đường, Lê Đình Hòa cứ thấy mắt mình mờ dần, mờ dần từng ngày. Thương con, bà Huỳnh Thị Lài bán chiếc nhẫn cưới - di vật duy nhất người chồng để lại - chữa chạy cho Lê Đình Hòa. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, bác sĩ chỉ có thể xác định Lê Đình Hòa bị teo dây thần kinh thị giác, nhưng không có phương pháp điều trị.

 

Lê Đình Hòa nhớ lại: “Tháng 6/1984, tui quay lại ký túc xá để thu dọn hành trang và giã biệt thời sinh viên. Bạn bè ôm tui khóc nức nở, mà tui vẫn chưa hết bàng hoàng vì định mệnh nghiệt ngã ập xuống nên không rơi được giọt nước mắt nào. Đêm cuối cùng ở Quy Nhơn, tui ra mộ Hàn Mặc Tử ngồi đến sáng. 21 tuổi, tui không biết ngày mai của mình ra sao”. Lê Đình Hòa trở về nhà, sống với người mẹ héo mòn vì đau khổ, ở thị trấn Phú Lâm (bây giờ là phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa).

 

Bóng tối và bóng tối bủa vây, chàng trai Lê Đình Hòa hoạt bát hôm nào chỉ còn biết co ro ngồi trong bóng tối. Bà Huỳnh Thị Lài cũng đã trải qua rất nhiều cơ cực, đôi vai bà đã quá mệt mỏi trước bao nhiêu giông bão tảo tần. Đôi mắt Lê Đình Hòa đột ngột bị cướp đi, thực sự là một đòn chí mạng khiến bà ngỡ như đổ quỵ. Tuy nhiên, với tấm lòng của một người mẹ, bà không nỡ nhìn con trai cứ suy sụp triền miên.

 

Bà Huỳnh Thị Lài lục tung đống sách vở cũ của Lê Đình Hòa, tìm lại những bài thơ mà con trai đã sáng tác thuở mộng mơ dưới mái trường trung học. Bà vốn dân quê chân lấm tay bùn, không thể rạch ròi cái hay cái đẹp của thơ, nhưng bà mong con trai có thể nhờ thơ để giãi bày, nhờ thơ để buông bớt tủi hờn, nhờ thơ để có lối thoát tương lai.

 

Lắng tai nghe người mẹ quanh năm buôn thúng bán bưng cất giọng nghẹn ngào đọc những câu thơ mình viết dạo nào: “Nhà em ở phía chân trời ấy/ Thương nhớ đi vòng mấy xóm quê/ Những hội ngày xuân nay đã vãn/ Bươm bướm trễ mùa bay ngẩn ngơ”, Lê Đình Hòa chợt nhận ra mình còn có thơ. Lê Đình Hòa biết rằng đã đến lúc phải dựa vào thơ để đứng dậy, vì mẹ và vì mình.

 

Từ đó, thi ca trở thành người bạn đồng hành với Lê Đình Hòa. Và người mẹ của Lê Đình Hòa bao giờ cũng ngân ngấn khóe lệ khi con trai nhờ chép lại những câu thơ vừa hình thành trong tâm trí, dù lắm lúc là những lời buồn váng vất khôn nguôi: “Cuộc chơi đến nỗi mía trổ bông cũng hóa thành lau trắng/ May mà cõi thơ còn sót một nhành trăng/ Mùi hương gần quá không thơm nữa/ Riêng đóa vô ưu nở vĩnh hằng”.

 

Tôi quen Lê Đình Hòa đã hơn 30 năm, có tình đồng hương và có tình văn chương. Mỗi dịp về Phú Yên, tôi đều ghé thăm Lê Đình Hòa và cố gắng thu xếp đưa anh đi chơi đâu đó. Nhà của Lê Đình Hòa cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 5 cây số, phân định bằng bên này và bên kia sông Đà Rằng...

 

Từng tháng từng năm trôi qua trong thơ Lê Đình Hòa, như những trang nhật ký. Lê Đình Hòa nghe được sự chuyển mùa lặng lẽ, nghe được sự thay đổi bần thần: “Hôm nay mưa xóa mờ phong cảnh/ Trắng cả cành dâu sẫm lá tơ/ Nào hay thoáng chốc đàn chim lạnh/ Mang cả mùa đông vội vã về”.

 

Không khó nhận ra, thơ Lê Đình Hòa thường xuất hiện từ “trắng”, đấy là màu sắc lờ mờ ám ảnh cuối cùng trước khi anh mất hẳn ánh sáng. Anh thổ lộ: “Người ta nhìn thấy hoa phượng đỏ, còn mùa hè chấm dứt giai đoạn bút mực của tui chỉ có hoa phượng trắng”.

 

Tôi dám chắc, những ai đọc thơ Lê Đình Hòa cũng vẫn thấy sức quyến rũ của hoa phượng trắng, khi anh rộn ràng: “Mây trắng nhập vào hoa phượng trắng/ Ta ngồi xếp lại giấc mơ xưa/ Người đi về phía vang rền nắng/ Phố cũ nhìn theo mộng hải hồ”.

 

Cứ ngỡ Lê Đình Hòa phải vò võ một mình với ngổn ngang lận đận thì có một ngẫu nhiên long lanh cổ tích. Tình cờ đọc được một bài báo viết về Lê Đình Hòa, cô giáo Trần Thị Hạnh đang dạy mầm non ở thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã viết thư làm quen và động viên anh. Thư đi thư lại cũng thấy bất tiện vì anh phải nhờ người đọc giùm, Trần Thị Hạnh quyết định thu âm những tâm sự của mình để gửi vào miền Trung cho anh nghe. Cô giáo Trần Thị Hạnh cũng có làm thơ với bút danh Hạnh Vân, nên hai trái tim nhanh chóng có cùng nhịp đập.

 

Có được hồng nhan tri kỷ, Lê Đình Hòa quyết định tỏ tình: “Có ai về Bắc Kạn anh nhắn thăm/ Em không thể chỉ là em gái/ Ước gì cha mẹ đừng già, chúng mình trẻ mãi/ Chân trời góc bể tìm nhau”. Thấu hiểu hoàn cảnh Lê Đình Hòa, Trần Thị Hạnh ngồi xe đò vượt hơn ngàn cây số tìm đến tận nhà anh cho thỏa mong ngóng. Và chị quyết định làm dâu đất Phú Yên. Đám cưới của họ được tổ chức giản dị vào cuối năm 2004. Chuyện tình đẹp như một truyện phim của họ được đánh dấu bằng sự ra đời của đứa con gái Lê Trần Phương Anh!

 

20 năm qua, vợ chồng nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa đỡ đần và che chở nhau vượt qua những chật vật cơm áo với niềm tin “bên dốc kia vẫn còn dung dăng nắng”. Đôi khi hạnh phúc chênh chao, Lê Đình Hòa xoa dịu bằng thơ: “Thưa em chuyện đã lỡ rồi/ Xin em bỏ quá cho người chiêm bao”. Thương chồng và tháo vát, Trần Thị Hạnh ngược xuôi vun đắp cho tổ ấm của mình ngày thêm vững bền. Đáp đền ơn vợ, Lê Đình Hòa chắt lọc tài sản thi ca sống trong bóng tối vừa qua của mình, để in tập thơ lấy tên là Cõi Hạnh.

 

Bây giờ, Lê Đình Hòa đã bước qua tuổi lục thập. 40 năm sống trong bóng tối, nhà thơ khiếm thị chưa bao giờ đánh mất sự tin yêu dành cho đời và dành cho người: “Tối đã theo chiều về phố thị/ Gió lọt lời em tiếng dạ thưa”.

 

LÊ THIẾU NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek