Ngày 10/5, tại TP Tuy Hòa, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay”, với sự tham gia của 30 nhà văn, nhà thơ đến từ TP Hồ Chí Minh và một số văn nghệ sĩ ở xứ “hoa vàng cỏ xanh”.
Chủ trì buổi tọa đàm, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, phát biểu đề dẫn: “Nhà văn hiện diện bằng tác phẩm. Tác phẩm hiện diện bằng ngôn từ. Ngôn từ hiện diện bằng hành trình nhiều chiều kích của thế giới nội tâm. Thế giới không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thế giới không thể bị hủy hoại bởi hận thù và lòng tham. Thế giới không bị vùi chôn dưới sức tàn phá của chiến tranh và vũ khí giết chóc. Thế giới vừa nhỏ bé, vừa chật hẹp, vừa rộng lớn, vừa sâu thẳm của cuộc đời, của số phận...
Tác phẩm là thành quả sáng tạo nhưng đồng thời cũng là kích cỡ tài năng của người sáng tạo. Và tác phẩm hay là thành quả thụ hưởng của cá nhân và của cả cộng đồng. Sự thật hiển nhiên đó đã được khẳng định xưa nay. Thế nhưng, từ tác phẩm đến tác phẩm hay, vẫn có những khoảng cách khá mơ hồ trong sự đánh giá và sự tiếp nhận.
Và câu hỏi: “Thế nào là một tác phẩm hay?” tưởng chừng rất cũ mà vẫn rất mới. Bởi lẽ, tùy từng hoàn cảnh, tùy từng mục đích, tùy từng nhu cầu mà khái niệm “tác phẩm hay” phải gánh vác thêm những sứ mệnh đôi khi nằm ngoài phẩm chất nghệ thuật. Mặt khác, sự sàng lọc của thời gian rất khắc nghiệt, có những tác phẩm gây xôn xao một giai đoạn rồi chìm vào quên lãng...”.
Quang cảnh tọa đàm “Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay”. Ảnh: YÊN LAN |
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam nhắc lại một cuộc thi thơ uy tín có những cây bút tên tuổi “cầm cân nảy mực”; bài thơ đoạt giải nhất sau đó đã chìm vào quên lãng, nhưng bài thơ được trao giải nhì thì có sức sống lâu dài. “Tiêu chí đánh giá văn chương phụ thuộc vào từng giai đoạn”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phát biểu.
Theo nhà văn Hoàng Đình Quang, văn học nghệ thuật rất khó định lượng. Nếu máy móc dùng những khuôn phép của giáo trình mà đánh giá thì chưa chuẩn xác, nhưng cũng không thể đánh giá theo trào lưu, theo số đông. Mặt khác, có sự khác nhau giữa các thế hệ trong tiếp nhận tác phẩm văn học nghệ thuật. Các nhà văn, nhà thơ hãy cứ cố gắng trong lao động sáng tạo tác phẩm.
Nhà văn Trần Luân Tín cho rằng nên đặt các tiêu chí đánh giá tác phẩm hay vào bối cảnh xã hội. Xã hội đang xô đẩy trong sự phát triển của công nghệ, của tiện ích và cũng xô đẩy cảm xúc của những người cầm bút. Trong tiếp nhận hiện nay, sự chân thực đang bị đẩy lùi, cảm xúc đang bị đẩy lùi, sự vụ lợi đang xông lên. Nhà văn bày tỏ nỗi lo trước sự thực dụng, vụ lợi, vô cảm, ngày càng xa rời tính người. Theo ông, ngoài năng lực sáng tạo mạnh mẽ, các nhà văn, nhà thơ cần giáo dục thế hệ sau có tình yêu thương con người, tình yêu quê hương đất nước, trân trọng thiên nhiên... qua những trang viết của mình.
Tiến sĩ - dịch giả Nguyễn Hiền, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch - Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Cao Quảng Văn, nhà giáo - nhà thơ Đặng Nguyệt An, nhà thơ Thiên Hà, nhà văn Võ Thế Chương; tác giả Bùi Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển... cũng đóng góp những ý kiến thú vị.
Tọa đàm “Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay” là hoạt động nổi bật của Trại sáng tác văn học năm 2024 tại Phú Yên do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Sau tọa đàm, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh bế mạc trại sáng tác.
Diễn ra từ ngày 3-10/5 tại khu du lịch biển Sao Mai (TP Tuy Hòa), trại sáng tác quy tụ 30 nhà văn, nhà thơ. Trong thời gian tham gia trại sáng tác, các nhà văn, nhà thơ đã viết và hoàn thiện 85 bài thơ, 3 truyện ngắn; đã và đang hoàn thiện bản thảo 4 tập thơ, 1 tập thơ - nhạc, 1 tập phê bình, 1 vở kịch; viết đề cương 2 truyện ngắn, tiếp tục viết 3 tiểu thuyết...
Đây là trại sáng tác văn học thứ 4 được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Phú Yên. Các nhà thơ, nhà văn giao lưu, trao đổi về văn chương, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa vùng đất Phú Yên, thâm nhập đời sống người dân xứ “hoa vàng cỏ xanh”, tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc và sáng tạo tác phẩm văn chương.
YÊN LAN