Bây giờ, muốn coi cải lương chỉ cần bật ti vi rồi chọn, thế nhưng mẹ tôi vẫn cứ nhắc tên những vở cũ cùng chỗ ngồi sân bãi ngày xưa. Mà tôi cũng nhớ huống chi là mẹ.
Miền Trung quê tôi đâu phải nơi sinh ra cải lương nhưng bà con rất mê loại hình nghệ thuật này. Mùa màng nối tiếp ruộng rẫy, ít rảnh rỗi nên ngày thường, mỗi khi đoàn hát về cũng khó được lượng khán giả thật đông. Nhưng với tháng Giêng thì khác, cứ sau mấy ngày tết, có đoàn cải lương về, sân bãi bên trụ sở thôn sẽ chật kín khán giả. Có đoàn biểu diễn cả chục đêm cho đến hết số tuồng đã tập. Đôi khi buổi sáng đoàn này vẫy tay rời đi thì buổi chiều đã có đoàn khác về. Lũ nhỏ chúng tôi dù không đủ thời gian ngủ bù nhưng cứ nghe tiếng loa là trong lòng lại háo hức.
Lớn lên, cái hay của những đêm coi cải lương (đôi khi cũng có hát bội) mới thấm đẫm về phía nội dung; kịch bản nào cũng nhắc nhở đạo lý làm người, bài xích cái mạnh hiếp yếu. Những giọt nước mắt yêu thương lo lắng cho nhân vật chính ở giữa tuồng rồi cũng đến lúc hân hoan niềm vui ở màn cuối, cảnh cuối. Lẽ phải ở đời bao giờ cũng chiến thắng, để người xem về nhà ngon giấc còn lo công việc ngày mai. Trong nội dung tuồng, những thân phận nghiệt ngã, kẻ yếu thế luôn được yêu thương bù đắp; từng chút từng chút đã nuôi dưỡng tâm hồn lũ nhỏ chúng tôi.
Hồi ấy, mỗi khi đoàn hát về tới đầu làng, bạn bè tôi ai cũng biết vì đường quê vắng vẻ mà đoàn nào cũng có một hoặc hai chiếc xe ca to kềnh, đạo cụ chất trên mui cao ngất ngưởng, qua những đoạn gập ghềnh chầm chậm kéo theo một chùm trẻ nhỏ hò reo, í ới...
Có đoàn hát về, những ngày Giêng hai, từng xóm nhỏ quê tôi như sôi động hẳn ra. Không riêng gì lũ nhỏ, mấy anh chị thanh thiếu niên cũng chẳng giấu được niềm vui, gặp nhau bàn bạc, rủ nhau coi hát, hẹn hò, chờ đợi, xe đạp đón đưa...
Mới nửa chiều, cảm xúc đã lâng lâng từ khi chiếc xe máy có người cầm loa tay đi rao chạy quanh từng lối nhỏ trong làng, kéo theo một đám trẻ nhỏ cắm cúi nhặt tờ rơi. Mấy chú đi rao thường rất thân thiện, dừng xe chia cho mỗi đứa vài tờ. Lòng ngây thơ chúng tôi tin rằng người đoàn hát yêu thương mình quá đỗi nhưng họ biết chắc rằng mình sẽ cầm tờ rơi đi khoe khắp xóm. Mình quảng cáo cho người ta mà cứ lung linh niềm vui…
Lũ nhỏ chúng tôi thuộc lòng tên đoàn hát trong tỉnh (Phú Khánh). Mà hồi ấy các địa phương cấp xã thành lập đoàn cũng nhiều (Hòa Phong, Hòa Bình, Hòa Hiệp, Đồng Khởi, Thành Đồng...). Đoàn có cặp đào, kép chính nào, hát tuồng nào hay, biểu diễn võ thuật nhiều hay ít, bay cao hay thấp..., chúng tôi thuộc cả. Mà nói tên tuồng thì cũng quẩn quanh: Đời cô Lựu, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, Gánh cỏ sông Hàn, Máu nhuộm sân chùa, Tìm lại cuộc đời...
Đêm có hát, bữa cơm chiều sớm hơn, lũ nhỏ lùa bò vô chuồng cũng sớm. Đêm nào cũng coi, xin tiền mẹ không đủ nên rì rầm rủ nhau “tống khui” (túi không) cũng cứ đi, chui rào hay coi thả giàn cũng được. Rạp hát ở thôn được che chắn bằng bồ (dụng cụ đựng lúa); mấy chỗ xấp mí không có người canh, lũ nhỏ nghiêng mình cúi đầu qua dễ ợt.
Tôi còn có cách khác, xin người lớn cho nắm tay theo sau, kế này an toàn, qua cổng khỏe re. Trèo rào, bị bắt cũng chẳng sao, nhéo tai hay một đá nhẹ vô mông là xong; bạn trong lớp nhìn thấy, mắc cỡ cả tuần. Hôm nào hết cách thì coi hát thả giàn khi tuồng hát đã qua đoạn gay cấn.
Không chỉ lũ nhỏ mà thanh niên cũng nhiều người như vậy. Nhưng khi người kiểm soát vé thả cửa, lũ nhỏ chúng tôi ùa vô còn thanh niên thì chưa chắc. Lớn lên, có người yêu rồi mới hiểu, họ ngồi bên gốc cây hay quán nước nói chuyện cả đêm cũng chưa mỏi...
Không chỉ coi, chúng tôi còn tự chế dụng cụ và tập tuồng như thật: Cây gậy, tập bay, lộn, đi bằng hai tay; thả bò ăn mía bị đòn cũng vì cải lương.
Tôi yêu câu ca tiếng đàn từ khi còn rất nhỏ, mỗi đêm hát tôi cố nhớ một câu đàn, cứ thế đàn miệng cho thuộc lòng, đem về tìm chỗ ghép vào phím đàn guitar, kết quả cũng được vài câu lơ lớ. Có lẽ đây cũng là nơi bắt đầu để bây giờ tôi đi làm ông giáo dạy môn âm nhạc.
Món ăn tinh thần ngày càng phong phú, đặc biệt với những ngày Giêng hai, nhưng với lứa tuổi đã đi qua thời đạp lúa sân kho... thì ngày xuân coi hát với rạp dừng bồ cứ nhắc đến là xôn xao chuyện kể.
Còn tôi, tôi biết ý, khi mẹ ở nhà một mình, tôi hay mở sẵn ti vi với chương trình cải lương có mấy danh ca một thời vang bóng...
NGÔ TRỌNG CƯ