Đó là thông điệp của triển lãm “Ẩm thực truyền thống ngày tết ở Phú Yên” do Bảo tàng tỉnh tổ chức trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Diễn ra từ ngày 2-24/2 tại Bảo tàng tỉnh (151 Trần Phú, phường 5, TP Tuy Hòa), triển lãm đã và đang thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến thưởng lãm.
Học sinh hào hứng tham gia gói bánh chưng tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ |
Ẩm thực dân tộc của địa phương
Bằng hình ảnh, Bảo tàng tỉnh đã giới thiệu về ẩm thực truyền thống ngày tết của người dân xứ Nẫu một cách rõ nét. Tại triển lãm, mọi người được hòa mình trong không gian và cảm nhận hương vị của các loại bánh, mứt tết qua 75 hình ảnh, 80 hiện vật bảo tàng và các sản phẩm ẩm thực bằng vật thật.
Đặc biệt, mọi người còn được thực hành chế biến một số món ăn truyền thống ngày tết như: Bánh chưng, bánh tét, cốm, bánh in, bánh thuẫn và nhiều loại bánh mứt khác trong ngày khai mạc.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Phú Yên có địa hình hội đủ các yếu tố núi sông, cao nguyên, đồng bằng, đầm vịnh, biển đảo; các sản vật đa dạng, phong phú; là địa bàn định cư từ lâu đời của nhiều thành phần dân tộc...
Tất cả yếu tố đó tạo nên bức tranh văn hóa ẩm thực đa sắc màu, vừa mang những đặc điểm chung của vùng miền, vừa có những giá trị đặc thù riêng.
Đặc biệt, ẩm thực ngày tết là sự hội tụ những giá trị tinh túy, mang phong vị đặc trưng, với những món ăn, thức uống đã được hình thành, tinh lọc, phát triển qua thời gian, được cộng đồng lựa chọn sử dụng phổ biến và luôn tồn tại, phát triển gắn với sự phát triển của xã hội.
Do đó trong triển lãm này, không chỉ giới trẻ đến để tìm hiểu, mà nhiều gia đình là người bản địa cũng rủ nhau đến tham quan và lưu giữ kỷ niệm qua những tấm ảnh chụp tại đây.
Em Võ Tuấn Khang, học sinh lớp 6B Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), bày tỏ: “Tham quan triển lãm, được xem nhiều hình ảnh về các loại mứt tết, em rất thích. Mỗi hình ảnh, hiện vật trưng bày tại triển lãm đều chứa những thông tin có giá trị, giúp em và các bạn có thêm kiến thức về ẩm thực tết cổ truyền của dân tộc và của Phú Yên”.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa trở về từ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Xa quê hương đã lâu, năm nay về quê ăn tết nên tôi đưa các con đến triển lãm này để lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Có mặt tại đây, các con tôi phấn khởi khi được xem và trải nghiệm làm những loại bánh mứt truyền thống. Còn tôi thì như được quay lại năm tháng tuổi thơ, vừa hoài niệm ký ức xưa, vừa háo hức trong không khí rộn ràng của ngày tết”.
Các loại bánh mứt được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: THIÊN LÝ |
Gìn giữ hương vị truyền thống
Tại triển lãm, qua đôi bàn tay khéo léo của mình, các bà, các mẹ, các chị đã làm nên những món bánh, mứt rất thơm ngon, hấp dẫn và không thể thiếu ở mỗi gia đình trong ngày tết cổ truyền, bởi đó chính là tinh hoa của hương vị ngày tết.
Bà Mã Thị Hoa Lý (phường 9, TP Tuy Hòa) - người hướng dẫn thực nghiệm ẩm thực truyền thống ngày tết tại triển lãm, chia sẻ: Nguyên liệu chính để gói bánh chưng là nếp, thịt heo ba chỉ, đậu xanh, lá chuối và lạt buộc. Để bánh ngon thì nếp phải dẻo, hạt nếp căng tròn.
Lá chuối phải được phơi héo tạo độ dai để khi gói không bị rách; lạt buộc phải chắc, bền để nước không thấm vào khi nấu. Để bánh ngon và đẹp thì khâu buộc bánh khá quan trọng. Buộc bánh phải chặt tay nếu không bánh sẽ dễ bung ra trong quá trình nấu. Đặc biệt, khi luộc bánh phải canh sao cho lửa đều liên tục từ 6-8 tiếng.
Chia sẻ với nhiều học sinh, bà Lý nói: “Thường khi các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng gói bánh, mọi người chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, từ đó tình cảm gia đình thêm gắn kết. Bánh sau khi chín được dâng cúng ông bà tổ tiên và đem biếu tặng bà con họ hàng như một cách để thắt chặt tình cảm”.
Theo ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, về giá trị vật chất, ẩm thực truyền thống ngày tết đảm bảo các yêu cầu về dinh dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng lợi ích cho sức khỏe.
Về giá trị tinh thần, ẩm thực truyền thống ngày tết biểu hiện ở phương pháp lựa chọn nguyên liệu, gia vị; cách chế biến, sự kết hợp hương vị, màu sắc; cách bài trí, sắp đặt hài hòa, tinh tế; cách thức thực hành ẩm thực và những nghi thức, phong tục liên quan.
Hiện nay, với sự giao lưu, hội nhập và phát triển, ẩm thực ngày tết có sự phát triển đa dạng, nhưng những món ăn truyền thống đậm chất dân gian vẫn giữ vị trí quan trọng trong tiềm thức của nhiều người.
“Bảo tàng tỉnh tổ chức triển lãm giới thiệu “Ẩm thực truyền thống ngày tết ở Phú Yên” nhằm góp phần gìn giữ, phát huy giá trị ẩm thực truyền thống quý báu, giàu bản sắc của quê hương, đất nước. Đây cũng là hoạt động kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024) và đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”, ông An cho biết thêm.
Xa quê hương đã lâu, năm nay về quê ăn tết nên tôi đưa các con đến triển lãm này để lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Có mặt tại đây, các con tôi phấn khởi khi được xem và trải nghiệm làm những loại bánh mứt truyền thống. Còn tôi thì như được quay lại năm tháng tuổi thơ, vừa hoài niệm ký ức xưa, vừa háo hức trong không khí rộn ràng của ngày tết.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, người xa quê trở về từ TP Hồ Chí Minh |
THIÊN LÝ