Đạo sư Osho từng ví tình yêu như một cơn gió mát và lấp đầy mọi nơi bằng hương thơm, lưu lại trong khả năng có thể và sau đó ra đi.
Có câu chuyện kể rằng người nữ được tạo ra từ chiếc xương sườn của người nam. Sau đó, mỗi đêm khi người nam trở về nhà và đi ngủ, người nữ lại đếm chiếc xương sườn của anh ta. Bởi cô lo sợ rằng nếu một chiếc xương sườn mất đi thì có khả năng một người nữ khác được tạo ra ở đâu đó.
Từ trong khởi thủy, đàn ông đã muốn đàn bà là chiếc xương sườn của mình. Và người đàn bà cũng sẽ tìm cách khiến đối phương phụ thuộc vào mình. Từ tình yêu mà mọi người sử dụng nhiều khi không phải là tình yêu mà là lòng ham muốn. Người nữ luôn muốn sỡ hữu người nam và ngược lại. Chỉ cần đối tượng nhìn ngắm, vui đùa với một người khác, ta cũng đem lòng ghen tuông. Cả ý nghĩ đối tượng có thể sống hạnh phúc nếu thiếu mình cũng khiến ta bị tổn thương.
Theo Osho, có ba kiểu tình yêu. Tình yêu số một là yêu theo định hướng đối tượng. Tình yêu này không xuất phát từ bên trong mà đến từ bên ngoài. Vì đối tượng đẹp nên ta yêu. Nhưng người ấy không chỉ đẹp với ta mà còn với nhiều người khác. Do đó sẽ có ghen tuông và cạnh tranh, ta sẽ luôn tìm cách sở hữu, không để người đó tự do. Và những gì xấu xí sẽ đi vào cái gọi là tình yêu của ta. Ta luôn hoài nghi về tình yêu của người khác vì không tự tin vào giá trị của mình.
Với tình yêu số hai, đối tượng không quan trọng, chủ thể mới quan trọng. Tình yêu là phẩm chất của chính chúng ta. Ngay cả ở một mình, ta vẫn yêu thương. Kiểu tình yêu này không mang tính chiếm hữu. Ta sẽ không ghen tuông khi ai đó ngắm nhìn đối tượng của mình. Ta cũng sẽ biết cách làm cho người khác tự do. Không có nỗi sợ, không phụ thuộc vào đối tượng, ta tự do dành tình yêu của mình cho nhiều người theo nhiều cách khác nhau.
Đa số người chỉ đạt đến tình yêu số hai khi biết yêu bản thân. Lúc đó, tự nhiên ta sẽ tạo ra một khu vườn đẹp xung quanh mình, làm người khác muốn đến và yêu. Vì yêu bản thân, ta sẽ không muốn phá hủy tính cá nhân của người kia, càng không muốn sở hữu hay chi phối. Khi ta yêu bản thân, mọi thứ tự tràn đầy, các cánh cửa sẽ mở ra, tình yêu tự khắc “mưa rào” lên những gì xung quanh.
Nhưng tình yêu bản thân hoàn toàn khác với lòng kiêu hãnh bản ngã. Chuyện ngụ ngôn kể rằng chàng Narcissus khi soi bóng dưới hồ nước vì quá yêu vẻ đẹp của mình mà ngã xuống hồ dẫn đến cái chết. Phần lớn chúng ta yêu một người không phải vì bản thân người đó mà vì đôi mắt, khuôn mặt, những lời có cánh của người đó vận hành như một cái hồ nước cho ta thấy hình ảnh phản xạ của mình. Ta yêu hình ảnh đó, tức là chỉ yêu cái bản ngã của mình. Trong khi yêu bản thân, ta chẳng cần hồ nước nào, ta luôn biết chính mình từ bên trong.
Với kiểu tình yêu số ba, là siêu việt, vượt lên trên tất cả nhị nguyên, không có chủ thể, không có đối tượng, không có người yêu và người được yêu. Tình yêu là thượng đế. Rất hiếm người đạt được. Kiểu như chúng ta hay nói “Anh yêu em vô điều kiện”. Đó là với các bậc thánh nhân. Còn với chúng ta, càng ít điều kiện càng tốt. Khi đó cánh cửa sẽ tự mở.
THÙY LINH