Bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực trẻ em vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối và đáng báo động trong xã hội.
Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, nhiều vụ việc bạo lực trẻ em, trong đó có không ít vụ do chính tay người thân gây ra đã được đưa ra pháp luật xử lý, nhưng ẩn đâu đó vẫn còn nhiều góc khuất. Sự tổn thương về thể chất và tâm lý của nạn nhân là vô cùng lớn.
Nhận diện hành vi bạo lực trẻ em
Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Từ bao đời nay, gia đình vốn được xem là môi trường an toàn với trẻ em. Thế nhưng, khi xã hội ngày càng phát triển đa chiều thì tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ.
Không chỉ phải đối mặt với vấn nạn xâm hại, bạo lực ngoài đời thường, trẻ em thời nay còn gặp nhiều rủi ro, thách thức với những tệ nạn trên mạng xã hội. Tình trạng này đang diễn biến phức tạp, gióng hồi chuông báo động tới các cơ quan chức năng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 7 trường hợp trẻ em bị bạo lực. Trong đó, 3 trẻ em bị xâm hại tình dục, 1 trẻ em bị bạo hành và 3 trẻ em bị bỏ rơi.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết hiện nay trẻ em học tập, giao lưu nhiều hơn trên môi trường mạng. Việc dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo có thể khiến trẻ dễ bị bóc lột tình dục, dụ dỗ và lừa gạt, tiếp xúc với những nội dung độc hại, bạo lực...
Song, nguyên nhân trước hết vẫn là nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào bị xem nhẹ. Nhiều bậc cha mẹ còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ khỏi bạo lực, xâm hại tình dục, ngại đề cập đến những vấn đề nhạy cảm với trẻ.
Ngoài ra, một số lượng lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có cha mẹ ly hôn, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, dẫn đến tình trạng trẻ không có được những thông tin cần thiết để tự bảo vệ bản thân khỏi những cạm bẫy của xã hội.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, bạo lực trẻ em trong gia đình gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển thể chất và trí tuệ đối với trẻ. Khi chứng kiến bạo lực gia đình, trẻ sẽ trong tình trạng luôn căng thẳng, sợ hãi, tâm lý tiêu cực, thiếu tập trung.
Nhiều trẻ không có khả năng chơi tích cực, lẩn tránh các mối quan hệ với các bạn, sống khép kín. Có những trẻ lại theo chiều hướng thích gây rối, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy; thậm chí học theo hành vi của người lớn, tiến hành bạo lực với người khác.
Trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến bạo lực gia đình thường có xu hướng thiếu tin tưởng vào người lớn; có em bỏ nhà đi; chán nản, có ý nghĩ tự tử thậm chí có em đã tự tử...
Tăng cường công tác phòng, chống
Nhằm góp phần xóa bỏ bạo lực trẻ em, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp liên ngành với các cơ quan triển khai công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng; duy trì hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng ở 110/110 xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, sở đã củng cố, kiện toàn ban bảo vệ trẻ em cấp xã và đội ngũ cộng tác viên trẻ em; tiếp tục duy trì các mô hình CLB Quyền tham gia trẻ em, tổ chức sinh hoạt CLB với các chủ đề phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em...
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trẻ em như búp trên cành. Để bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn bạo hành, các ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hơn nữa, trong đó cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em, đưa nội dung luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này vào kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm tại các địa phương và một số ban ngành. Đồng thời tăng cường giáo dục kiến thức pháp luật, nhất là quy định pháp luật về quyền trẻ em cho các bậc phụ huynh...
Quan tâm đến vấn nạn bạo lực trẻ em, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ đề nghị các ban ngành, địa phương tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
“Đặc biệt, môi trường gia đình có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách, do đó cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo. Chính quyền địa phương phải quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ nhấn mạnh.
THIÊN LÝ