Trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, cuộc thi Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phát động, Báo Lao Động thực hiện đã tạo tiếng vang lớn, khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân - người lao động, công đoàn.
Bức tranh sinh động
Sau gần 2 năm phát động (từ ngày 23/11/2021-31/8/2023), ban tổ chức cuộc thi nhận 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả là các nhà văn, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và Việt kiều.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, gần 500 tác phẩm dự thi, tác phẩm nào cũng “ngồn ngộn hiện thực, miêu tả chân thực, sinh động cuộc sống của công nhân và vai trò của công đoàn ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, nhiều vùng đất”.
Nhà văn Y Ban, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, thành viên Hội đồng Chung khảo, cho hay: “Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn có quy mô lớn, vượt ngoài sức tưởng tượng, khiến các nhà văn ở cả hai hội đồng giám khảo đều bất ngờ”.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi, đánh giá: Phần lớn các tác phẩm dự thi đã vẽ nên bức tranh sinh động về đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng của công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn...
Hình ảnh công nhân Việt Nam, dù còn khó khăn nhưng luôn có niềm tin vào tương lai phía trước, sống tử tế, chân thành, biết chia sẻ và giàu khát vọng cống hiến. Hình ảnh Công đoàn Việt Nam đang chuyển mình, đáp ứng yêu cầu phát triển được thể hiện rất thành công trong nhiều tác phẩm.
Đề tài dễ hay khó?
Đối với những người cầm bút có vốn sống trong lĩnh vực này, đây là mảng đề tài thú vị. Càng thú vị hơn khi tác giả khai thác công việc, đời sống của công nhân ở những nơi rất đặc thù.
Nhà văn Trương Anh Quốc - người từng làm việc trên giàn khoan, đoạt giải nhì với tiểu thuyết Phía sau tiếng sóng, chia sẻ: “Tôi viết về công nhân trên giàn khoan - những người làm công việc rất đặc thù. Họ đi làm bằng máy bay trực thăng, làm việc 12 tiếng đồng hồ và đi về cũng bằng máy bay trực thăng. Làm việc trên giàn khoan không giống như làm việc trên bờ.
Đặc biệt, công nhân ở đây còn là những chiến sĩ tham gia bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Mỗi công nhân trên giàn khoan như một cột mốc chủ quyền. Tôi đã đưa những điều đó vào trong tác phẩm của mình”. Theo nhà văn Trương Anh Quốc, cuộc thi này tạo động lực rất lớn cho những người cầm bút, khích lệ các tác giả tập trung viết, nỗ lực hết sức mình.
Từng có những chuyến đi thâm nhập thực tế, tìm hiểu về đời sống của công nhân và công việc của cán bộ công đoàn, nhà văn Nguyễn Hiệp (Bình Thuận) viết truyện ngắn Điểm cực hạn, được trao giải khuyến khích.
Ông nói: “Thật ra, viết về công nhân, công đoàn không khó. Bởi vì trong các thành phần của xã hội Việt Nam, công nhân là một lực lượng lớn, có nhiều điều để viết, hình thành nên tác phẩm. Nhưng viết làm sao cho hay, cho sâu, cho chạm đến trái tim thì khó, rất khó! Cho nên phải tìm hiểu, thậm chí phải cùng ăn cùng ở và chia sẻ thì mới chạm đến những tình cảm đặc biệt đó”.
Những chuyến đi thâm nhập thực tế mang lại cho các nhà văn nhiều điều, giúp họ có thêm vốn sống. “Sau cuộc thi này, tôi sẽ viết nhiều hơn về mảng đề tài công nhân, công đoàn”, nhà văn Nguyễn Hiệp nói.
Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, thành viên Hội đồng Chung khảo, viết về công nhân, công đoàn và người lao động là đề tài rất khó. Hội Nhà văn Việt Nam cũng có ban riêng dành cho các cây bút viết về công nhân, người lao động. Các nhà văn phải thâm nhập đời sống công nhân, sinh hoạt, lao động cùng họ để sáng tác.
Tuy nhiên, đề tài này bẵng đi một thời gian chưa có những tác phẩm xứng tầm, gây tiếng vang. Cuộc thi lần này chắc chắn sẽ khơi nguồn, là bệ phóng để chúng ta có được những tác phẩm lớn.
Cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học, khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân - người lao động, công đoàn, đóng góp vào dòng chảy chung của văn học nghệ thuật nước nhà. |
YÊN LAN