Thứ Bảy, 27/07/2024 14:46 CH
Văn Cao - thiên tài thơ, nhạc, họa
Chủ Nhật, 19/11/2023 10:00 SA

Văn Cao là mt bc k tài. Tri bao thăng trm, s nghip tác gi Quc ca - Tiến quân ca càng thêm ta sáng. Vào nhng ngày này và c năm này, hu như mi người Vit đều nh, nghe và nói v Văn Cao.

 

Nhạc sĩ - thi sĩ - họa sĩ Văn Cao. Ảnh tư liệu

 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao (15/11/1923-15/11/2023) là một trong những sự kiện văn hóa nghệ thuật quan trọng, đáng chú ý nhất năm nay. Nhiều chương trình đã được tổ chức để tôn vinh ông, trong đó có hội thảo khoa học “Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao” do Báo Nhân Dân và Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vào ngày 8/11 tại Hà Nội. Quê hương ở Nam Định, gắn bó phần lớn cuộc đời ở Hà Nội, nhưng Hải Phòng - nơi Văn Cao sinh ra - có nhiều ảnh hưởng tới cuộc đời và sự nghiệp của ông.

 

Văn Cao - thiên tài và thanh bch

 

GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhìn nhận: “Ngay từ năm 1945, Văn Cao đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, người dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến. Theo di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền Quốc ca cho Tổ quốc - một nghĩa cử vĩ đại mà mỗi công dân Việt như chúng ta cần biết điều này để thấy rằng, nếu thực hiện chế độ bản quyền thì chỉ riêng phí tác quyền của Tiến quân ca đủ đưa Văn Cao lên hàng tỉ phú, trong khi đời sống riêng của ông cho đến khi qua đời vẫn trong cảnh thanh bạch, khó khăn”.

 

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp, giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt, giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời”.

 

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, một đàn em thân thiết của thiên tài Văn Cao, nói cụ thể hơn: “Tài danh của Văn Cao đặc biệt nhất là việc ông tự tỏa mình ở 3 loại hình nghệ thuật là âm nhạc, thi ca và hội họa. Đặc biệt hơn là trong cả ba loại hình đó, ở loại hình nào cũng thấy ám ảnh bóng dáng của 2 loại hình kia. Trong thơ thì thấy ấn tượng của âm nhạc và hội họa. Trong họa thì thấy dào dạt chất nhạc và chất thơ, độc đáo rõ nét là ở trong các bức tranh lập thể. Còn trong nhạc cũng trào dâng chất thơ trong ca từ, chất hội họa trong đường nét giai điệu”.

 

Một người bạn vong niên khác gắn bó với ông là nhà thơ Thanh Thảo ngậm ngùi: “Với cả sự nghiệp thơ của mình, Văn Cao là một thiên tài thơ, chứ không chỉ là thiên tài âm nhạc. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao, chợt thấy thời gian trôi nhanh quá. Bao nhiêu là đổi thay sau ngày Văn Cao qua đời (1995), nhưng trong tôi, mãi vẫn là anh Văn đó, gầy gò, tươi vui với bạn bè em út, ngồi lặng lẽ nhấp từng hớp rượu nhỏ đầy trân trọng và yêu thương”.

 

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (thứ hai từ phải qua) tặng món quà đặc biệt cho nhạc sĩ Văn Thao - đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: CTV

 

Sinh tôi ra đã có Hi Phòng

 

Những ngày mùa thu kỷ niệm 100 năm ngày sinh bậc tiền bối Văn Cao, tôi lại có dịp về những nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sĩ thiên tài. Đó là Vụ Bản (Nam Định) - quê hương tổ tiên ông. Đó là Hà Nội - nơi ông gắn bó phần lớn cuộc đời thăng trầm. Và đặc biệt là Hải Phòng - thành phố cảng sinh ra ông và là nguồn cảm hứng cho ông viết nên nhiều tác phẩm kiệt xuất…

 

Ở đâu tôi đặt chân tới hình như đều thấp thoáng bóng dáng bậc kỳ tài Văn Cao, nhất là Hải Phòng. Ông có họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ra trong một gia đình viên chức ở đất cảng, nay là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Người cha từng là giám đốc Nhà máy nước Hải Phòng nên có điều kiện cho con ăn học. Sau khi học hết bậc tiểu học trường Bonnal, lên trung học ông học tại trường dòng Saint Josef. Tại ngôi trường này, ông cũng bắt đầu học những nốt nhạc đầu tiên. Đến khi vừa hết năm thứ hai bậc Thành chung thì gia đình gặp khó khăn, ông đành bỏ học và sớm đi tìm việc làm mưu sinh.

 

Từ cuối thập niên 1930, khi nền tân nhạc Việt Nam dần hình thành, nhiều nhạc sĩ tiên phong đã xuất hiện ở Hải Phòng như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý, Văn Cao, Canh Thân, Đỗ Nhuận, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn… Vào một chiều buồn mùa thu, khi giới văn nghệ tiễn đưa một tài năng văn học lớn yểu mệnh là Vũ Trọng Phụng về nơi an nghỉ cuối cùng ở Hà Nội, thì ca khúc đầu tiên Buồn tàn thu của tài năng lớn khác ở Hải Phòng là Văn Cao đã chào đời. Thời gian này, Văn Cao gặp gỡ Phạm Duy - đang là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Giọng hát của Phạm Duy và Thái Thanh đã đưa Buồn tàn thu nhanh chóng lan tỏa, nổi tiếng.

 

Bản tình ca mang âm hưởng ca trù với lời thơ phong vị Đường thi cổ điển. Buồn tàn thu được viết năm Văn Cao mới 16 tuổi. Đến năm 17 tuổi thì ông dựng nên Thiên thai sau một chuyến hành phương Nam trở về xuôi thuyền lênh đênh trên dòng sông Phi Liệt miền Thủy Nguyên (Hải Phòng), lấy cảm hứng từ tích Lưu Nguyễn ngày xưa lạc cõi Đào Nguyên. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Thiên thai chính là khát vọng sống được thăng hoa chất ngất, vượt thoát mọi cản ngăn. Về âm nhạc, trong Thiên thai bên cạnh việc tiếp tục khai thác âm hưởng ca trù, cụ thể là hơi “thét nhạc”, Văn Cao đã bắt đầu chú ý tới những chuyển điệu xa. Thiên thai là nền móng vững chãi để Văn Cao bước tới Sông Lô chảy lai láng trong kháng chiến sau này. Không chỉ học tập phương Tây, Văn Cao đã ý thức được việc cần Việt hóa khúc thức phương Tây”.

 

Thời trai trẻ sôi động ở đất cảng Hải Phòng, Văn Cao còn tham gia nhóm nhạc Đồng Vọng do Hoàng Quý làm huynh trưởng, cùng với Đỗ Nhuận, Tô Vũ, Canh Thân… là thành viên. Những ca khúc hướng đạo với khí nhạc hồn nhiên vui tươi, mang tinh thần yêu nước yêu đồng bào của Văn Cao từ đây ra đời, như: Gió núi, Anh em khá cầm tay, Gò Đống Đa.

 

Đặc biệt, “Hải Phòng mênh mông nhiều mây nhiều nước/ Mênh mông bốn phía chân trời” còn là nguồn thi hứng cho nhiều bài thơ của Văn Cao, nhất là trường ca Những người trên cửa biển sáng tác năm 1956:

 

“Sinh tôi ra đã có Hải Phòng

Đầu nhà mới trồng cây mận

Bãi sú bồi thành bến

Nhà máy xi măng đã dựng bên sông”

 

Trường ca Những người trên cửa biển được đánh giá là một thử nghiệm thành công của Văn Cao trên hành trình thi ca tương đối khiêm tốn của ông. Vì sinh thời ông làm thơ không nhiều và chỉ cho xuất bản duy nhất tập Lá gồm 28 bài, rồi sau khi ông mất mới in Tuyển tập Văn Cao thơ cũng chỉ có 59 bài. Tuy nhiên, đóng góp của thiên tài Văn Cao về thi ca chẳng kém âm nhạc và hội họa. Chỉ riêng trường ca Những người trên cửa biển gắn với Hải Phòng, nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học nhận định: “Với trường ca này, Văn Cao đã cắm dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển trường ca Việt Nam hiện đại. Nếu tính một cách chi li, trước Văn Cao, trường ca/ thơ dài đã từng xuất hiện với Tiếng địch sông Ô của Huy Thông hay Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông của Xuân Diệu. Nhưng điều đáng nói là Văn Cao đã thi triển trường ca của mình bằng một chiến lược táo bạo và cái nhìn độc đáo: “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi”.

 

Ngoài bài Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca, nhạc sĩ Văn Cao còn viết nhiều tráng khúc đi vào lòng người Việt nhiều thế hệ, trong đó Trường ca sông Lô được giới âm nhạc đánh giá rất cao. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Trong 5 dòng sông Lô bằng âm thanh là Lô giang của Lương Ngọc Trác, Chiến sĩ sông Lô của Nguyễn Đình Phúc, Chiến thắng sông Lô của Lưu Hữu Phước, Tiếng hát bên sông Lô của Phạm Duy, Trường ca sông Lô của Văn Cao vẫn là tác phẩm âm nhạc vạm vỡ nhất, lai láng như một bức tranh hoành tráng và thấp thoáng cả hình ảnh của một binh chủng pháo binh sau này góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Mang dáng dấp cấu trúc Trường ca sông Đa Nuýp của J.Strau nhưng trong cấu trúc ấy lại chứa chất những tiết tấu của hành khúc, dân vũ vùng núi phía Bắc và đặc biệt là nhịp chèo thuyền (Bacrcaron) của người dân chài miền sông nước Trung du”.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek