Tục ngữ có câu: “Uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn thơ ngây”. Để hình thành thói quen tốt cho trẻ là điều không dễ dàng. Vì vậy, cha mẹ cần áp dụng phương pháp giáo dục từ sớm để trang bị cho trẻ kỹ năng vận động, tự lập, kiểm soát cảm xúc, quan sát và phân tích nhạy bén..., giúp trẻ trở thành những công dân toàn diện, gương mẫu.
Cha mẹ cần tạo thói quen tốt cho con cái từ khi còn nhỏ. Ảnh: THIÊN LÝ |
Tạo nền tảng vững chắc
Sau bao nỗ lực, anh Nguyễn Trung Nguyên ở xã miền núi Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) đã mở một salon tóc ngay tại quê nhà và có cuộc hôn nhân hạnh phúc với chị Nguyễn Thị Phương Thảo cùng cậu con trai nhỏ. Công việc của hai vợ chồng khá bận rộn nhưng cả hai đều luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để vừa hoàn thành công việc, vừa chăm sóc tốt cho con.
Anh Nguyên cho rằng: Nhiều phụ huynh nghĩ trẻ con không biết gì nên khi trẻ có thái độ và hành động không ngoan thì thường bỏ qua mà không uốn nắn ngay. Đó là sự sai lầm của nhiều người vì trong thực tế, việc giáo dục trẻ biết vâng lời, lễ phép và cư xử đúng mực là điều vô cùng cần thiết, bởi một khi thói quen đã trở thành tính cách sẽ khó mà uốn nắn. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy con từ khi còn nhỏ và là người làm gương cho trẻ. Trong đó, sự làm gương từ các thành viên trong gia đình cực kỳ quan trọng, tác động lớn đến nhận thức, hành vi của trẻ. “Vợ chồng tôi tránh cãi vã, không nói nặng lời với nhau trước mặt con cái và thường xuyên nói cảm ơn khi nhận một điều gì đó từ người khác, xin lỗi khi mắc sai lầm và dạ thưa với người lớn... trong mỗi lần giao tiếp để con làm theo. Nhờ đó, con tôi từ nhỏ đều được đánh giá là lễ phép, biết cách cư xử”, anh Nguyên chia sẻ.
Với quan niệm “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, theo anh Nguyên, một lời nói có dạ, thưa mang đến một cảm giác dễ chịu và sự tôn trọng đối với người khác. Đứa trẻ được dạy lễ phép, cư xử đúng mực là nền móng để hình thành một con người có tính cách, nhân cách tốt khi trưởng thành”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hải ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa), giáo dục con cái hiện nay cần dạy cách ứng xử trong gia đình với nguyên tắc đã được bao thế hệ gìn giữ, lưu truyền, đó là “trên kính, dưới nhường” và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Đây vừa là phép tắc ứng xử, vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
“Trước khi thành tài, tôi chỉ mong con cháu mình là một đứa trẻ ngoan có tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ cùng những người thân thích ruột thịt của mình, đồng thời biết yêu thương, giúp đỡ, tôn trọng người khác... Để được như vậy, tôi luôn dặn dò các con phải tự giáo dục, biết vượt qua chính mình. Về phần mình, ông bà, cha mẹ phải luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo”, bà Hải nói.
Hướng đến tương lai tươi sáng
Giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm lý, hành động của con cái. Từ xưa, hành vi của ông bà, cha mẹ không chỉ để lại đức cho con cháu mà còn là sự gieo trồng đạo đức cho thế hệ sau. Một gia đình có nền nếp, cha mẹ giáo dục con bằng những biện pháp hợp lý, dùng lý lẽ để răn dạy con, thì đứa bé ấy lớn lên trở thành người lễ phép, sống hòa đồng. Còn nếu trong một gia đình có cha thường xuyên cờ bạc, rượu chè, mẹ vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, thường xuyên trút giận lên những đứa con của mình... thì những đứa trẻ ấy luôn có tâm lý sợ hãi, ám ảnh.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), giáo dục sớm là chiến lược đào tạo kiến thức và kỹ năng dành cho trẻ từ 0-8 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển vượt trội của não bộ, nên giáo dục sớm đúng cách sẽ giúp trẻ nâng cao năng lực trí tuệ, điều chỉnh hành vi và cảm xúc cũng như hình thành nhân cách cơ bản.
Hơn nữa, lý do cha mẹ nên giáo dục con ngay từ nhỏ bởi sự phát triển sớm của trẻ rất quan trọng, đặt nền móng cho phần còn lại của cuộc đời. Bộ não có khả năng tiếp thu cao nhất trong 5 năm đầu tiên, dẫn đến những trải nghiệm ban đầu có tác động rất lớn đến sự phát triển của các kết nối thần kinh. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động não bộ của trẻ trong suốt cuộc đời.
Các nhà tâm lý giáo dục đánh giá: Công nghệ phát triển đem đến nhiều tiện ích vượt trội, song bên cạnh những tác động tích cực, công nghệ số cũng đem đến những thử thách vô hình, khó đoán trước. Vì vậy, việc nuôi dạy con trong thời đại 4.0 đòi hỏi các bậc cha mẹ phải trang bị thêm nhiều kỹ năng, cùng sự thích ứng và cập nhật không ngừng để có thể đồng hành cùng con trẻ trên mọi hành trình, hướng đến tương lai tươi sáng.
Một lời nói có dạ, thưa luôn mang đến một cảm giác dễ chịu và sự tôn trọng đối với người khác. Đứa trẻ được dạy lễ phép, cư xử đúng mực là nền móng để hình thành một con người có tính cách, nhân cách tốt khi trưởng thành.
Anh Nguyễn Trung Nguyên ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa |
THIÊN LÝ