Sáng tác hàng trăm ca khúc về quê hương Phú Yên, chất dân ca đẫm trong giai điệu, nhạc sĩ Duy Tài có lối đi riêng trên con đường âm nhạc. Sau rất nhiều năm vắng bóng bởi guồng quay công việc, nhạc sĩ Duy Tài đã trở lại cùng những tác phẩm mới, tha thiết tình quê...
Nhạc sĩ Duy Tài. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, anh Duy Tài và vợ - ca sĩ Túy Ba - là cặp đôi rất nổi trong phong trào nghệ thuật quần chúng ở Tuy Hòa. Cùng các đồng nghiệp trong nhóm Ca khúc chính trị Sông Ba: Đinh Hòa, Bùi Mãng, Quang “khàn”, Tâm “lào”, Tuấn Lê, Thu Hà, Mỹ Hạnh, Hạnh Tri..., họ đưa tiếng đàn lời hát đến với người dân, thực hiện những nhiệm vụ mà Phòng Văn hóa - Thông tin TX Tuy Hòa giao cho Đội Thông tin lưu động. Cũng từ đây, niềm đam mê âm nhạc của anh Duy Tài được chắp cánh. Anh được cử đi đào tạo về sáng tác. Và các ca khúc về quê hương lần lượt ra đời. Người yêu nhạc ở Phú Yên biết đến một Duy Tài - nhạc sĩ - với những ca khúc mang âm hưởng dân ca.
* Anh đã sáng tác hàng trăm ca khúc về quê hương Phú Yên. Anh có thể kể đôi nét về ca khúc đầu tiên của mình?
- Tôi học nhạc từ mấy anh mấy chú rồi tập tành sáng tác từ năm 11-12 tuổi. Lúc đó tôi chỉ biết viết lời, viết xong thì đờn, hát. Sau này, khi làm việc tại Phòng Văn hóa - Thông tin TX Tuy Hòa, tôi được phòng cho đi học lớp sáng tác tại Nha Trang, được đào tạo và phát huy năng khiếu, chớ lúc trước amateur lắm (cười).
Học xong lớp sáng tác, tôi viết ca khúc đầu tiên - Người lính với khúc dân ca, đậu thủ khoa khóa học.
* Nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ tham gia Đội Thông tin lưu động, nhóm Ca khúc chính trị Sông Ba, anh nhớ nhất điều gì?
- Đội ít thành viên nhưng làm nhiều việc. Chương trình phục vụ bà con phải phong phú, không thể hát tân nhạc hoặc cải lương hoài mà cần có sự thay đổi. Anh chị em rất đa năng: chơi đàn, hát tân nhạc, cổ nhạc… Sau này, khi nhóm Ca khúc chính trị Sông Ba biểu diễn có bán vé thì có thêm một số anh chị em tham gia.
Nhắc đến những năm tháng đó, tôi vẫn còn xúc động. Nhớ nhất là những đêm diễn, do thời lượng chương trình đã dài, tiết mục của mình bị cắt. Buồn lắm, tôi ra ngồi một góc và khóc. Hồi đó tụi mình làm việc bằng đam mê là chính, không nghĩ gì đến tiền bạc, cho nên không được hát thì buồn lắm.
*Anh gắn bó với Phòng Văn nghệ thuộc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (VTV Phú Yên) trong một thời gian dài, sản xuất rất nhiều chương trình ca nhạc, dân ca bài chòi... Có vẻ như nghề chọn người?
- Ừ đúng rồi, nghề chọn mình. Hơn nữa, lãnh đạo biết được điểm mạnh của mình và giao những công việc phù hợp để mình phát huy thế mạnh.
Nam Trung Bộ được biết đến với dân ca bài chòi. Đài Truyền hình Việt Nam giao cho VTV Phú Yên sản xuất nhiều chương trình dân ca bài chòi nhằm phát huy vốn văn hóa của các địa phương trong khu vực. Lúc trước, khi chị Hòa Bình (nhà báo Nguyễn Hòa Bình - PV) làm Trưởng phòng Văn nghệ, tôi biên tập các chương trình ca nhạc, dân ca... Sau này, tôi đạo diễn và biên tập. Mình làm rất nhiều chương trình về các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhưng không thể làm chương trình cho chính mình (cười).
VTV Phú Yên sản xuất rất nhiều, chương trình này nối tiếp chương trình kia cho kịp phát sóng. Công việc dày đặc, tôi không còn thời gian dành cho sáng tác. Đến khi nghỉ hưu, tôi mới có thời gian hoạt động âm nhạc.
* Quê hương như một dòng chảy mượt mà, xuyên suốt các tác phẩm âm nhạc của anh. Điều gì thôi thúc anh sáng tác nhiều ca khúc về quê hương xứ Nẫu?
- Hình như là duyên nợ. Hồi tôi làm việc trong Đội Thông tin lưu động của Phòng Văn hóa - Thông tin TX Tuy Hòa, đội cần những ca khúc về quê hương để biểu diễn phục vụ bà con. Suy nghĩ đó thấm sâu, cho nên tôi thường sáng tác về quê hương mình.
* Các ca khúc của nhạc sĩ Duy Tài thường mang âm hưởng dân ca. Vì sao anh sử dụng chất liệu dân ca trong sáng tác âm nhạc, thưa anh?
- Khi sáng tác âm nhạc về quê hương, nếu sử dụng chất liệu dân ca thì các nhạc sĩ sẽ chọn những làn điệu dân ca của quê hương mình, để người nghe nhận diện được tác phẩm của vùng miền đó. Sáng tác ca khúc về Phú Yên, tôi luôn chọn những làn điệu dân ca của quê hương, thể hiện nét riêng của quê hương mình trong âm nhạc, không bị lẫn vào đâu.
* Anh mong muốn điều gì cho những đứa con tinh thần của mình?
- Tôi sáng tác mấy trăm ca khúc, nhưng phát hành rộng rãi thì đâu có đơn giản! Mong muốn lớn nhất là tác phẩm lan tỏa rộng và nhiều người hát ca khúc của mình. Đó là ước mơ của các nhạc sĩ, không chỉ riêng tôi.
* Xin cảm ơn anh!
Nhạc sĩ Duy Tài (tên khai sinh là Nguyễn Văn Dịn) sinh năm 1960, quê xã An Ninh Tây (huyện Tuy An), hiện sống tại TP Tuy Hòa. Anh từng làm việc tại Phòng Văn hóa - Thông tin TX Tuy Hòa, Đài Phát thanh Phú Yên, sau đó chuyển công tác về Đài Truyền hình Phú Yên (sau này là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên) và gắn bó cho đến khi nghỉ hưu, vào năm 2020.
Nhạc sĩ Duy Tài được biết đến với các ca khúc: Người lính với khúc dân ca, Đi trong chiều Hòa An, Nẫu về xứ nẫu, Đá Đĩa, Phố nhỏ chiều mưa, Hoa xoan trắng... Gần đây, anh có những sáng tác mới về Tuy Hòa, trong đó ca khúc Tuy Hòa xứ nẫu mà thương đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Sáng tác ca khúc Tuy Hòa, ca khúc Tuy Hòa âm vang bài ca được trao giải khuyến khích. |
YÊN LAN (thực hiện)