Thứ Hai, 25/11/2024 01:49 SA
Nơi duy trì và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Thứ Năm, 12/10/2023 13:00 CH

Các nghệ nhân người Ê Đê ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa trình diễn nghề đan đát truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: THIÊN LÝ

Gia đình là nơi hình thành nhân cách của mỗi con người, cũng là nơi bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trao truyền từ đời này qua đời khác.

 

Cha truyền con nối

 

Trong kho tàng văn hóa đa dạng của đồng bào người Chăm, từ ẩm thực, trang phục đến âm nhạc, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã góp phần tạo nên sắc màu văn hóa riêng biệt, được các gia đình lưu giữ cho đến ngày nay.

 

Theo chị Mang Thị Út, trước kia, hầu hết phụ nữ Chăm ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) đều biết dệt thổ cẩm. Sự khéo tay trong nghề dệt của các cô gái Chăm là một trong những tiêu chí quan trọng để các chàng trai lựa chọn khi lấy vợ. Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, những cô gái Chăm đã theo mẹ học nghề. 6, 7 tuổi học tước sợi. 9, 10 tuổi đã biết dệt vải. 15, 16 tuổi đã tự hoàn thiện bộ váy áo cho mình và những người thân trong gia đình. Mẹ truyền con nối, cứ như vậy, trải qua thời gian với biết bao thăng trầm, nghề dệt thổ cẩm vẫn được gìn giữ như một di sản của người Chăm nơi đây.

 

Chị Út chia sẻ: “Dệt thổ cẩm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong gia đình, từ bà cố đến bà ngoại, rồi đến mẹ và giờ là tôi tiếp tục dệt thổ cẩm. Đây là nghề truyền thống của dân tộc nên tôi luôn có ý thức giữ gìn để sau này truyền dạy lại cho con cháu của mình”.

 

Già Ma Ber ở thôn Xây Dựng (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) cho biết gia đình ông luôn giáo dục con cái giữ gìn văn hóa của đồng bào dân tộc Ê Đê, dạy cho con cháu biết dệt thổ cẩm, biết đan đát, gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.

 

Ở cùng thôn Xây Dựng, anh Y Khoan từ nhỏ đã được ông nội và cha chỉ dạy tường tận cách đan các vật dụng bằng mây, tre. “Càng tìm hiểu, tôi càng thích nghề đan đát truyền thống của dân tộc mình. Cũng vì thế mà tôi muốn dốc tâm huyết để gìn giữ và lan tỏa tình yêu nghề này đến với những người có cùng sở thích, nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”, Y Khoan thổ lộ.

 

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

 

Phú Yên hiện có 152 di sản văn hóa được kiểm kê, với các loại hình phong phú, đa dạng; 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những năm qua, ngành VH-TT&DL đã tham mưu cho tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển văn hóa con người Phú Yên, như: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ văn hóa, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là phát huy tốt vai trò của gia đình.

 

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ông bà cha mẹ phải là người thực hiện những chuẩn mực, giá trị, làm gương cho con cháu. Bằng những công việc cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, ông bà cha mẹ truyền dạy cho con cái nét sinh hoạt văn hóa của gia đình, phong tục, tập quán của dân tộc mình. Bên cạnh đó, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của gia đình trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống; thông qua sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền rộng rãi những nét văn hóa, làm cho mỗi gia đình, mỗi người dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao lòng tự tôn, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

 

Ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Đồng Xuân cho biết: “Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc tại địa phương đạt được nhiều kết quả, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các gia đình. Gia đình luôn là cái nôi gìn giữ và lưu truyền hiệu quả nhất những giá trị truyền thống của dân tộc; đồng thời là môi trường để bồi dưỡng nhân cách, giáo dục cho các thế hệ con cháu biết trân trọng giá trị tốt đẹp của văn hóa - lịch sử, cội nguồn dân tộc và tình yêu với quê hương, đất nước”.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek