Thứ Sáu, 20/09/2024 13:48 CH
Những câu thơ ngân lên niềm kính nhớ
Thứ Ba, 10/10/2023 22:00 CH

Như nén tâm hương tưởng nhớ, tôn vinh một trong những bậc đại thụ của cách mạng Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến, một nhà thơ đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền thơ ca giải phóng, đêm thơ “Văn Công - Cuộc đời và trang viết” diễn ra trong không khí ấm áp, xúc động, nhân ngày giỗ đầu của ông.

 

Nhà thơ Văn Công (1926-2021). Ảnh: PHAN XUÂN LUẬT

Một số bài thơ tinh túy của tác giả Bất khuất, Mảnh đất yêu thương, Khúc hát miền quê, Năm tháng không quên, Vùng đất lửa... và lời chia sẻ đầy ắp tình cảm của những người từng gắn bó với nhà thơ đã phác họa bức chân dung một chiến sĩ cách mạng quả cảm, kiên cường, vượt lên bao gian nan thử thách; một hồn thơ đầy nhiệt huyết, tha thiết yêu đất nước, quê hương.

 

Người chiến sĩ cách mạng - nhà thơ

 

Nhà thơ Văn Công tên thật là Cao Xuân Thiêm, sinh năm 1926 tại Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), trong một gia đình Nho học, một dòng họ nổi tiếng về khoa bảng. Ông tham gia cách mạng tháng 8/1945 từ những ngày đầu, là đội viên đội vũ trang công tác ở đông Tây Nguyên. Cuối năm 1946, ông là cán bộ tại miền núi Phú Yên cho đến năm 1954, ông được phân công tiếp tục ở lại miền Nam, hoạt động tại Phú Yên.

 

Gắn bó với Phú Yên, với Khu 5 hơn 3/4 thế kỷ, ông là một trong những bậc đại thụ của cách mạng Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng giữ cương vị Quyền Trưởng ban Chi viện tiền phương Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. Trong thời bình, ông từng đảm nhận trọng trách Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh.

 

Không chỉ là bậc lão thành cách mạng, nhà thơ Văn Công còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965 và được tặng 3 giải nhất của Báo Thống Nhất (Hà Nội) về những bài thơ vượt tuyến đặc sắc trong những ngày khó khăn nhất của cách mạng miền Nam (1954-1960). Có thể nói, vùng đất Phú Yên đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác của ông.

 

Nhà thơ Văn Công để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị, trong đó có các tập thơ: Bất khuất (1965), Mảnh đất yêu thương (1978), Khúc hát miền quê (1985), Hương đêm (1996), Tuyển tập Thơ - văn (2003), trường ca Năm tháng không quên (2009), tuyển tập Văn Công - Cuộc đời và trang viết (2011), các tập ký sự đặc sắc: Miền đất huyền thoại (1990), Vùng đất lửa (1992), Hậu cần nhân dân (1997), Người Ba Na ở Phú Yên (1998), Ký ức về một miền đất (2001), Sống và viết ở chiến trường (2006), Đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến (2010). Bên cạnh đó, ông còn là đồng tác giả các tác phẩm in chung: Tiếng hát miền Nam (1960), Tuyển tập Thơ - văn Việt Nam 1945-1960, Đảng cho ta mùa xuân (1970), Thơ miền Trung thế kỷ XX (1995), Một thời để nhớ (1998)... Sự nghiệp văn chương của ông rất phong phú, có nhiều tác phẩm đặc sắc, nhiều bài thơ sống mãi cùng năm tháng.

 

Đại gia đình nhà thơ Văn Công chụp ảnh lưu niệm sau chương trình đêm thơ. Ảnh: YÊN LAN

 

Mãi mãi, trong trái tim

 

Đêm thơ “Văn Công - Cuộc đời và trang viết” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp với CLB Thơ Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) tổ chức, nhân ngày giỗ đầu của ông. Bà Trần Thị Minh Chánh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết nhà thơ Văn Công từng là chỗ dựa tinh thần cho CLB Thơ Nguyễn Huệ trong buổi ban đầu. Đêm thơ tưởng nhớ, tri ân nhà thơ được tổ chức từ ý tưởng của CLB, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

 

Đến với đêm thơ, những người yêu thi ca cảm nhận lòng căm thù giặc và niềm tin sắt son của nhà thơ Văn Công:

 

Tuy Hòa ơi ngày mai sẽ đến!

Bụi mù tan, chim bướm

nhởn nhơ bay

Đỉnh Tháp Nhạn ánh trăng

lồng ánh điện

Cửa sông Đà buồm giăng cánh

về đây.

 

(Tuy Hòa mến yêu)

 

Những người từng ngồi trên ghế nhà trường vào thập niên 80 của thế kỷ trước bồi hồi khi nghe lại:

…Chia củ sắn lùi, cắn đôi

hạt muối

Ăn lót lòng chuyền hơi ấm

cho nhau

Vinh dự nào hơn được làm

anh bộ đội

Dưới trời xanh sao sáng

dọi ngang đầu.

(Hành quân)

 

Tại đêm thơ, những người thân trong gia đình nhà thơ, văn nghệ sĩ cùng đông đảo bạn yêu thơ lắng lòng cảm nhận những tác phẩm tinh túy trong di sản của nhà thơ Văn Công. Càng hiểu thêm về nhà thơ Văn Công, chúng ta càng khâm phục, ngưỡng mộ một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, một hồn thơ đầy nhiệt huyết, tha thiết yêu quê hương đất nước!

 

 

Nghệ sĩ Bích Trâm ngâm một bài thơ của nhà thơ Văn Công. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Tưởng nhớ nhà thơ Văn Công, nhà báo Phan Thanh Bình chia sẻ về cơ duyên được gặp và trở thành thư ký của bác Sáu Công, khi ông làm Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh. Gắn bó sâu sắc với nhà thơ Văn Công hơn 40 năm, nhà báo Phan Thanh Bình thổ lộ: “Bác Sáu Công là một tấm gương trong vắt về đạo đức cách mạng, về ý chí, niềm tin, về khả năng tự học, đặc biệt là niềm khát khao tiếp nhận tri thức mới. Bác Sáu Công là một trong những vị thầy mà tôi học tập suốt cuộc đời”.

 

Nhà báo Phan Xuân Luật, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, chia sẻ: “Trong không gian hết sức ấm cúng, nghe những bài thơ của nhà thơ Văn Công, trong lòng tôi bồi hồi xúc động. Tôi cảm thấy như nhà thơ đang cùng chúng ta ở đây, lắng nghe những bài thơ, những trang viết nói lên cuộc đời ông, tình cảm của ông. Nhà thơ Văn Công có hai quê hương: Quê hương Nghệ An tình sâu nghĩa nặng và quê hương Phú Yên một đời gắn bó, một đời thủy chung trong sự nghiệp cách mạng của ông”.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Đình Phùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ: “Mỗi lần đọc thơ của nhà thơ Văn Công, tôi có rất nhiều cảm xúc. Tôi cảm nhận: Những phong cảnh thiên nhiên, những địa danh, những giá trị của vùng đất - con người Phú Yên được nhà thơ Văn Công đưa vào trong thơ một cách hết sức tài tình và đầy cảm xúc. Điều đó chứng tỏ rằng ông là một người rất yêu quê hương Phú Yên, nặng tình nặng nghĩa với quê hương Phú Yên”.

 

Trong niềm xúc động, chị Cao Thị Hiền Lương, con gái nhà thơ Văn Công, rưng rưng: “Không như bao đứa trẻ khác, chị em chúng cháu cất tiếng khóc chào đời thì ba đang ở chiến trường xa. Lúc ba đi, cháu mới 8 tháng, em cháu - Hòa An còn nằm trong bụng má. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, gặp ba, cháu gọi ba bằng... bác, vì lúc nhỏ chưa được gặp ba. Cuộc đời ba là một cuộc trường chinh, vào sinh ra tử. Giờ đây ba đã theo má rồi. Chị em chúng cháu luôn nhắc nhở nhau hãy cố gắng sống xứng đáng với những gì ba má để lại, đó là trọng nhân, trọng nghĩa và yêu lắm quê hương Phú Yên...”. Con gái cố nhà thơ nghẹn ngào: “Cảm ơn các cô chú, các anh chị thương ba, đã tổ chức một đêm thơ về ba nhân ngày giỗ đầu của ba - người luôn xem Phú Yên là quê hương thứ hai của mình”. 

 

Đôi chân bền bỉ, không hề mệt mỏi của nhà thơ Văn Công đã dừng lại, nhưng cuộc đời và trang viết của ông sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng, mãi mãi là một di sản văn hóa ở vùng đất này.

 

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo,

Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek