Thứ Hai, 25/11/2024 03:24 SA
Giữ hồn bả trạo
Thứ Ba, 10/10/2023 13:00 CH

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Tích cùng các thành viên trình diễn nghệ thuật hát bả trạo tại lễ hội Cầu ngư lạch Long Thủy. Ảnh: THIÊN LÝ

Cư dân ven biển nói chung và lạch Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa) nói riêng vẫn còn bảo lưu tín ngưỡng, tục thờ cá Ông trong lễ hội Cầu ngư gắn với hát bả trạo.

 

Phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đội hát bả trạo lạch Long Thủy được thành lập, gắn kết những người có chung tâm huyết với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

 

Nghệ thuật dân gian truyền thống

 

Tháng 6 âm lịch vừa qua, chúng tôi được mắt thấy tai nghe đội hát bả trạo lạch Long Thủy do Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Trọng Tích làm đội trưởng trình diễn. Ông Tích vừa giữ vai trò tổng thương vừa cất tiếng hát: Trời ơi sao mà giông tứ tung tứ hướng/ Một mình tôi quay lại nhìn thuyền/ Thuyền nọ lại chơi vơi/ Trời đất ơi/ Nghĩ mà thương cho anh em, bạn trạo tôi/ Đang lúc nghỉ ngơi mà thuyền lại chơi vơi lượn sóng/ Đây là lượn sóng giữa dòng/ Giông tố biển khơi/ Ngài Nam Hải ơi/ Hồi nào ngài giỡn nước ngắm trăng/ Mà giờ đây không thấy/ Than rằng ngài ở đâu/ Ông ơi, ông mau lên dội nước tới đây/ Đưa thuyền về bến, lòng này mừng vui…

 

Vốn sinh ra và gắn bó với làng biển Long Thủy, những câu hát bả trạo đã ăn sâu vào tâm trí của NNƯT Nguyễn Trọng Tích từ những ngày còn nhỏ và trở thành niềm đam mê của ông cho đến bây giờ. Ông Tích kể: Ngày xưa, cụ cố nội từ Tam Kỳ (Quảng Nam) đến Phú Yên lập nghiệp và mang theo cuốn tập ghi chép các câu hát, trong đó có hát bả trạo. Cuốn ghi chép bị bào mòn và phai dấu theo thời gian. May thay, các cụ đã thuộc nằm lòng và thường hát cho con cháu nghe. Sau đó, tôi dồn tâm sức ghi chép lại với mong muốn gìn giữ loại hình hát cúng này.

 

Trước đây ở Long Thủy cũng có đội hát bả trạo, nhưng hoạt động được một thời gian thì giải tán. Để tiếp tục gìn giữ giá trị truyền thống độc đáo của địa phương, năm 2022, ông Tích kêu gọi một số người thân, bạn bè thành lập đội hát bả trạo lạch Long Thủy và tận tình chỉ dạy những thành viên mới làm quen với loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Các thành viên đội hát bả trạo của ông Tích cùng nhau tập luyện, được mời đi phục vụ tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

 

Anh Nguyễn Thành Khơ, thành viên đội bả trạo Long Thủy, chia sẻ: “Tôi rất thích hát bả trạo nên xin vào đội luyện tập thỏa niềm đam mê. Đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo của địa phương nói riêng và dân tộc nói chung nên tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm và kêu gọi bạn bè cùng gìn giữ, phát huy”.

 

Bảo tồn nét văn hóa độc đáo

 

Theo NNƯT Nguyễn Trọng Tích, hát bả trạo còn được gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hò đưa linh… Đây là loại hình nghệ thuật dân gian mang yếu tố tâm linh của cư dân ven biển từ Bình Trị Thiên trở vào, đặc biệt là khu vực duyên hải Trung Trung Bộ. “Mỗi đội hát bả trạo gồm: Tổng mũi, tổng thương và tổng lái cùng khoảng 10-16 bạn trạo, cũng có khi lên đến 18 người và đặc biệt là số người tham gia đội chèo bao giờ cũng là số chẵn để cho cân đối và trình diễn dễ dàng hơn. Riêng đội hát bả trạo lạch Long Thủy có tổng mũi, tổng thương, tổng lái và 12 bạn trạo”, ông Tích cho biết.

 

Theo nhiệm vụ được phân công, trong đội chèo bả trạo, tổng mũi là người “trông trời, trông nước, trông mây” để đưa thuyền đi đúng hướng, tìm đúng luồng cá và cũng là người hô nhịp để điều khiển toàn đội. Tổng thương là người quản lý sinh hoạt trên thuyền, được ví như “anh nuôi”. Quan trọng nhất là tổng lái - thuyền trưởng, là người chỉ huy cả đội, đồng thời làm nhiệm vụ cầm lái, sử dụng đạo cụ là một cây chèo lớn để lái thuyền. Các bạn trạo sử dụng cây chèo nhỏ, đều nhau. Mỗi cây chèo được làm bằng gỗ, dài 1,5m, nửa thân cọng sơn đỏ, nửa thân mái sơn trắng.

 

“Trang phục của tổng lái thường màu vàng, tổng thương màu xanh nước biển, tổng mũi màu đỏ trùm khăn đỏ, còn các bạn trạo là màu xanh lục. Ai mặc quần áo màu gì thì dây thắt lưng cùng màu đó”, ông Tích cho biết thêm.

 

Theo anh Nguyễn Duy Vinh (con trai NNƯT Nguyễn Trọng Tích), Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian xã An Phú, hát bả trạo rất khó, bởi không chỉ đòi hỏi người tham gia là ngư dân dãi dầu mưa nắng, bám biển, hiểu từng cơn gió, ngọn sóng mà còn phải là người tâm huyết, khổ công luyện tập, nằm lòng ca từ, điệu múa và giai điệu của cả bài hát. “Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, mang tính nghi lễ, linh thiêng, không chấp nhận sai sót. Vì vậy, nghệ thuật hát bả trạo rất kén chọn người theo đuổi”, anh Vinh chia sẻ.

 

Hàng năm, thôn Long Thủy đều tổ chức hát bả trạo vào dịp lễ Cầu ngư nhằm ca ngợi công đức của thần Nam Hải (cá Ông), đồng thời cầu xin thần phù hộ để ngư dân được bình an giữa biển khơi, đánh bắt được nhiều tôm cá... Ông Nguyễn Cho, Trưởng lạch Long Thủy cho biết: “Trong suốt những năm qua, hát bả trạo vẫn được duy trì trong các lễ hội Cầu ngư của ngư dân, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là tâm huyết của lớp lớp cha anh và quyết tâm gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát bả trạo, mà ông Tích là một trong những người có công đóng góp cho địa phương”. 

 

Trong suốt những năm qua, hát bả trạo vẫn được duy trì trong các lễ hội Cầu ngư của ngư dân, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là tâm huyết của lớp lớp cha anh và quyết tâm gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát bả trạo, mà ông Tích là một trong những người có công đóng góp cho địa phương.

 

Ông Nguyễn Cho, Trưởng lạch Long Thủy

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek