Theo Sở VH-TT&DL, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng, đầu tư.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 112 di tích được xếp hạng (trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia, 89 di tích cấp tỉnh) và được phân cấp cho các địa phương có di tích quản lý; một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cấp, tu bổ các công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân và khách tham quan, du lịch. Di sản văn hóa phi vật thể từng bước được kiểm kê, sưu tầm, phục dựng; có 152 di sản văn hóa được kiểm kê, với các loại hình phong phú, đa dạng; có 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích; bố trí người thường xuyên trông coi, quản lý, bảo vệ các hiện vật tại di tích và huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn giá trị các di tích; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên môn và người trực tiếp trông coi di tích và các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể, sưu tầm, bảo tồn tri thức dân gian tại cộng đồng...
MỸ AN